Sớm có kết luận thanh tra nhiều vụ việc tại Vicem
Các nội dung thanh tra tại Vicem chủ yếu về một số vấn đề được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Việc chỉ đạo một số đơn vị thành viên như: xi măng Hải Phòng, Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Bút Sơn mua xi măng rời của xi măng Tam Điệp để gia công và vận chuyển đến các địa bàn; Buông lỏng quản lý xuất khẩu và vận chuyển xuất khẩu mà cụ thể là liên quan đến công ty Vĩnh Phước; Điều chuyển clinker cho xi măng Hà Tiên và các vấn đề liên quan đến chênh lệch giữa giá mua- bán clinker của đơn vị này; Một số nhà máy xi măng được cấp phép khai thác mỏ đá nhưng lại không khai thác mà tìm mua nguồn bên ngoài; Chuyển đổi hình thức thu hồi vốn từ việc đầu tư hệ thống làm kín lò nung bằng graphit của Vicem tại các đơn vị thành viên; Phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của Vicem tại xi măng Hà Tiên.
Việc gia công xi măng Tam Điệp là một trong những nội dung được quan tâm nhiều. Giải trình về các nội dung thanh tra, TGĐ Vicem Trần Việt Thắng cho biết: sở dĩ có việc điều phối một số thành viên Vicem mua và gia công xi măng rời của Tam Điệp để hạn chế việc chồng lấn giữa các thương hiệu Vicem trên thị trường.
Kể từ khi đi vào hoạt động, xi măng Tam Điệp liên tục lỗ, nhất là thời điểm cuối năm 2011, nguồn cung cao hơn cầu rất nhiều khiến cả thị trường cũng khó khăn. Dự án xi măng Tam Điệp toàn bộ nguồn vốn đầu tư là vay và đang trong giai đoạn phải chi trả khấu hao nén gánh nặng tài chính càng nặng thêm. Vì vậy để đảm bảo dòng tiền duy trì hoạt động, xi măng Tam Điệp phải bán theo giá mà thị trường chấp nhận, thấp hơn từ 100 đến 200 nghìn đồng/tấn xi măng so với các thương hiệu Vicem khác. Trong khi đó, các đơn vị khác sản xuất lại không đủ phục vụ thị trường nên việc điều phối này mang tính chất điều tiết. Thêm một đặc thù nữa là xi măng là mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn theo thị hiếu nên việc gia công xi măng từ nguồn của Tam Điệp giúp các đơn vị thành viên khác đảm bảo được nguồn cung tại các địa bàn.
Cùng đó, từ 4-2013, xi măng Tam Điệp cũng bắt đầu có lợi nhuận. Đây cũng là nhiệm vụ mà Vicem phải đảm nhận trước chính phủ là vừa đảm bảo bình ổn giá cho mặt hàng này, đồng thời bảo đảm lợi doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, lợi nhuận, không thua lỗ. Tuy nhiên, theo Chánh thanh tra Phạm Văn Yên, việc này cũng không nên kéo dài, cần sớm chấm dứt. Dù là công ty con, đơn vị thành viên của Vicem nhưng hoạt động của doanh nghiệp cần cạnh tranh công bằng.
Về điều phối clinke từ các nhà máy phía bắc vào cho xi măng Hà Tiên, TGĐ Vicem Trần Việt Thắng phân tích: clinke là mặt hàng thuộc diện Nhà nước quản lý và bình ổn. Phía Nam không đủ tài nguyên đá vôi nên thường phải chuyển clinke từ phía Bắc vào. Việc dự trữ clinke bao giờ cũng phải đảm bảo đủ cho 25 ngày sản xuất nên số lượng tồn kho clinke khoảng 400 - 500 ngàn tấn là hợp lý. Còn việc xi măng Hà Tiên vừa mua nhưng cũng vừa bán clinke lại là câu chuyện điều tiết để đảm bảo hiệu quả kinh tế và chỉ diễn ra tuỳ từng thời điểm.
Tại một số thời điểm, việc vận chuyển clinke từ các trạm nghiệm của xi măng Hà Tiên tại Bình Phước và Kiên Giang thì tính ra giá còn cao hơn cả giá mua clinke vận chuyển từ Bắc vào. Bởi vậy, xi măng Hà Tiên phải sản xuất để bán cho các trạm nghiền nhỏ tại địa phương, nhưng việc này không phải là hoạt động diễn ra thường xuyên mà chỉ là cân đối nguồn hàng và hiệu quả kinh tế tại thời điểm nhất định.
Nguồn Báo Hải quan