Liên Quang Thứ Sáu | 09/11/2018 06:30

Sợi Thế Kỷ: "Ngư ông" đắc lợi

Sợi Thế Kỷ như “ngư ông” gặp thời, do nhiều yếu tố quốc tế mà đơn hàng tăng trưởng liên tục.

Trong 9 tháng năm 2018, Sợi Thế Kỷ (STK) hưởng lợi từ giá bán bình quân tăng mạnh 19% kể từ đầu năm, nhờ sự phục hồi của giá sợi toàn cầu, cũng như xu hướng dịch chuyển sang phân khúc cao cấp - sợi tái chế. Hưởng lợi từ nhiều yếu tố vĩ mô, STK hào hứng dệt tăng trưởng khi doanh thu tiệm cận 1.780 tỉ đồng, tăng 24,4% và lợi nhuận sau thuế hơn 131 tỉ đồng, tăng 96,5% so với cùng kỳ. Không chỉ giá trị tuyệt đối tăng trưởng, lợi ích thẩm thấu đến nhà đầu tư STK cũng được cải thiện khi biên lợi nhuận gộp được nới rộng hơn 390 điểm cơ bản, đạt 14,3%.

Bức tranh vĩ mô nhiều hứng khởi

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, bức tranh ngành dệt may đang lan tỏa với khá nhiều gam màu sáng. Những yếu tố vĩ mô hỗ trợ tích cực gồm có căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài, việc điều chỉnh Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) theo hướng có lợi cho Việt Nam và tác động ẩn ước của việc đồng USD mạnh dần lên, tập hợp lại thành sức mạnh kích cầu tiêu dùng sản phẩm Việt Nam. Theo đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam ước lượng kim ngạch xuất khẩu nửa cuối năm đạt 18,5 tỉ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm đạt 35 tỉ USD, đồng nghĩa với tăng trưởng ít nhất 1 tỉ USD so với dự báo.

Soi The Ky:
Ảnh: TL

Cụ thể hơn, ngày 24.9, Chính phủ Mỹ và Trung Quốc chính thức triển khai kế hoạch đánh thuế bổ sung đối với hàng hóa của nhau. Theo đó, Mỹ áp thêm thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm và Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế đối với 60 tỉ USD hàng Mỹ. Trong danh sách hàng hóa 200 tỉ USD bị áp thuế, Mỹ yêu cầu áp mức thuế quan bổ sung thêm 25% trên mức thuế hiện hữu với các mặt hàng dệt may gồm lụa, len hoặc sản phẩm lông động vật, bông (sợi, vải denim, vải satin), vải lanh, hàng dệt may nhân tạo, vải và các sản phẩm dệt may khác.

Soi The Ky:
 

Thực tế, khi mức thuế quan được nâng lên với một nhóm hàng hóa của một quốc gia nào đó, sản phẩm chung nhóm hàng hóa của những quốc gia còn lại trở nên rẻ hơn, trong đó có sản phẩm dệt may Việt Nam. “Một lượng lớn đơn hàng sợi tổng hợp dự kiến sẽ chuyển sang Việt Nam”, báo cáo cập nhật tháng 10 của VNDirect nhận định.

Ngoài câu chuyện chiến tranh thương mại, một thực tế đáng chú ý là dòng vốn FDI đổ vào ngành dệt may ngày càng tăng, qua đó phản ánh vị thế hấp dẫn của Việt Nam khi là một cấu phần quan trọng trong các hiệp định thương mại như VKFTA, EVFTA, CPTPP... Theo đó, nhiều thương hiệu dệt may quốc tế đã và đang dịch chuyển đơn hàng may mặc sang Việt Nam để tận dụng lợi thế của những hiệp định thương mại tự do mang lại. STK cũng hưởng lợi không nhỏ khi đơn hàng tăng trưởng liên tục. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2018 của STK là 1.780 tỉ đồng (tăng 24,4%) với kết cấu doanh thu gồm sợi xơ dài/sợi dún chiếm 1.300 tỉ đồng, sợi kéo hoàn toàn chiếm 214 tỉ đồng và sợi tái chế (được sản xuất từ hạt nhựa tái chế) chiếm 232 tỉ đồng (tăng trưởng doanh thu 160,9% so với cùng kỳ). Trong đó, tỉ trọng của sợi tái chế trong tổng doanh thu STK đang được nới rộng vì giá bán cao hơn sợi thường. Trong năm 2017 tỉ trọng này là 7% thì 9 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh lên 13%.

Giá trị của Sợi Thế Kỷ  

Có thể nói, giá trị của doanh nghiệp phần nhiều đến từ chiến lược kinh doanh phù hợp với những thay đổi của thị trường trong tương lai. Ban lãnh đạo STK từng thể hiện quan điểm tập trung vào yếu tố chất thay vì lượng để tăng thị phần. Trong đó, sợi tái chế được xem là nhóm sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của khách hàng STK và đang được ưu tiên lựa chọn.

Soi The Ky:

 
 

“Khách hàng mua sợi màu và sợi tái chế vẫn là những đối tác hiện hữu của Công ty. Họ hầu hết đang giảm tỉ lệ sợi nguyên sinh để chuyển sang các loại sợi trên nhằm hướng đến phát triển bền vững. Do đó, việc đầu tư này của chúng tôi cũng là cách đón đầu xu hướng”, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch STK, cho biết.

Chiến lược dịch chuyển dần sang sợi tái chế của STK được đánh giá là phù hợp. Theo nhận định của VNDirect, trong quý III/2018, STK tiếp tục chuyển hướng danh mục sản phẩm sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sợi tái chế với biên lợi nhuận gộp khoảng 22% so với mức 11% của sợi thường. Sợi tái chế chiếm 13% trong tổng doanh thu 9 tháng năm 2018 của STK, tăng từ mức 7% của năm 2017. Giá bán bình quân tăng 19% so với cùng kỳ do sự phục hồi của giá sợi toàn cầu với mức tăng 10% kể từ đầu năm và nhờ chuyển hướng cơ cấu sản phẩm tập trung vào sợi tái chế với giá bán cao hơn sợi thường. Theo kế hoạch, Công ty hướng tới việc tăng tỉ trọng của sợi tái chế trong tổng doanh thu từ mức 14% năm 2018 lên 30% vào năm 2020.

Soi The Ky:
 

Theo dự phóng năm 2018, VNDirect dự kiến doanh thu thuần của STK đạt 2.362 tỉ đồng (tăng 18,7%), lợi nhuận sau thuế đạt 166 tỉ đồng (tăng 66,4%). VNDirect cũng kỳ vọng sản lượng sợi tái chế sẽ tiếp tục tăng, đưa tỉ trọng của sợi tái chế trong doanh thu lên mức 14% vào cuối năm. Điều này sẽ giúp cho biên lợi nhuận gộp tăng thêm 160 điểm cơ bản so với mức dự phóng cũ và đạt 13,6%, nâng dự phóng lợi nhuận sau thuế của VNDirect thêm 22% lên 166 tỉ đồng.

Theo nhận định của VNDirect, tại mức P/E trung bình ngành 11,5x, giá mục tiêu của STK đạt 28.800 đồng/cổ phiếu. Trong 52 tuần qua, giá trần cổ phiếu đạt 23.500 đồng. Từ biên độ tháng 9.2018 đến cuối tháng 10.2018, cổ phiếu STK tăng từ mức 13.2500 đồng lên gần 20.000 đồng.

Phân tích của VNDIRECT chỉ có giá trị tham khảo