Sôi động biên giới phía Tây
Tiềm năng của các tỉnh thành biên giới ngày càng được nhiều chủ đầu tư chú ý. Sau khi Hoàng Anh Gia Lai đầu tư vào khu vực biên giới giữa Lào và Việt Nam, gần đây, nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu chủ động đầu tư vào khu vực biên giới, thậm chí một số còn mạnh dạn đầu tư vào thủ đô của các quốc gia láng giềng. Các nhà đầu tư tiên phong thường đối mặt với nhiều rủi ro, đòi hỏi họ phải cẩn trọng trước khi rót vốn.
Bên cạnh Phú Quốc, địa phương nổi lên thời gian qua nhận được quan tâm đầu tư chính là Tây Ninh, nhờ giáp với nền kinh tế đang trưởng khá mạnh là Campuchia (dự kiến 6,9% cho năm nay). Ví dụ, Tập đoàn Vingroup đã triển khai dự án khách sạn 5 sao kèm theo trung tâm thương mại có giá trị hơn 1.000 tỉ đồng.
Một doanh nghiệp khác là Công ty Địa ốc Hoàng Quân cũng lựa chọn Tây Ninh là nơi để triển khai dự án nhà ở HQC Tây Ninh có quy mô đầu tư dự kiến gần 1.800 tỉ đồng. Cổ đông chiến lược của Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1 là Công ty Xuân Cầu cũng đầu tư một resort du lịch sinh thái tại Đảo Nhím trị giá 300 tỉ đồng.
Tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, tình hình cũng khá sôi động. Bên cạnh Vingroup triển khai các dự án phức hợp, sau thương vụ đầu tư vào bệnh viện Thái Hòa ở Đồng Tháp, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital mới đây cũng mong muốn mở rộng đầu tư vào các bệnh viện khác trên địa bàn tỉnh.
Biên giới Lào và Việt Nam cũng chứng kiến trào lưu đầu tư mới từ phía các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là tại tỉnh biên giới Attapeu và khu vực Nam Lào nhờ sân bay quốc tế Attapeu được đưa vào khai khác. Các tên tuổi đầu tư ở đây có thể kể đến là Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam...
Theo xu thế các doanh nghiệp nói trên, chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam Mường Thanh đã chọn thủ đô Vientiane của Lào để phát triển khách sạn 5 sao, đánh dấu sự kiện mở rộng ra thị trường quốc tế. “Với khách sạn Mường Thanh Luxury Vientiane, Mường Thanh sẽ đóng vai trò như một biểu tượng thuần Việt kết hợp cùng những nét đặc trưng trong văn hóa của đất nước Triệu Voi nhằm tạo ra những trải nghiệm hoàn hảo cho du khách”, bà Lê thị Hoàng Yến, Tổng Giám đốc Tập đoàn khách sạn Mường Thanh, giải thích lý do lựa chọn Lào đầu tư.
Tiềm năng của khu vực biên giới nhìn chung khá khả quan. Dễ thấy một trong những lợi thế lớn nhất của các địa phương này là du lịch nghĩ dưỡng nhờ hệ sinh thái phong phú, như rừng Trà Sư, Vườn Quốc gia Tràm Chim, vườn cò Tháp Mười, núi Cấm, núi Bà Đen, các khu bảo tồn thiên nhiên tại Đắk Lắk hay Gia Lai.
“Tây Ninh có một điểm sáng, một hướng đi mới đó là phát triển du lịch, bởi có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là du lịch tâm linh, kế đó là du lịch kết hợp với truyền thống. Nếu Tây Ninh không làm gì hết, thì chỉ riêng núi Bà Đen một năm cũng có 2,5 triệu du khách”, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, chia sẻ. Việc thu hút được nhiều khách du lịch cũng mang đến cơ hội cho các loại hình giải trí khác, đặc biệt là kinh doanh casino cho người nước ngoài tại các tỉnh biên giới.
Đó còn là viễn cảnh dòng chảy thương mại giữa 3 quốc gia Đông Dương tăng lên nhờ Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời. Với lợi thế về vi trí, các tỉnh như Tây Ninh, An Giang hay Đồng Tháp có cơ hội trở thành các trung tâm trung chuyển hàng hóa cho cả vùng hạ lưu sông Mê Kong, trở thành các điểm kết nối quan trọng trên Hành lang kinh tế Á - Âu.
Nhưng có lẽ điểm mấu chốt thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư ra biên giới là hạ tầng đang dần hoàn thiện, giúp rút ngắn đáng kể thời gian đi lại giữa trung tâm kinh tế TP.HCM và các tỉnh. Một số dự án hạ tầng lớn sẽ tiếp tục đầu tư như dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, dự án nâng cấp quốc lộ 22 hay dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Riêng năm sau, cầu Vàm Cống có tổng chiều dài 5,75km giúp kết nối Đồng Tháp với An Giang sẽ chính thức vận hành.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2015, tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới ước đạt 27,56 tỉ USD, tương ứng tăng 27% so với năm 2014. Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia chiếm 11% và biên giới Việt - Lào chiếm khoảng 4%. Theo các nhà đầu tư, dù tiềm năng nhưng đầu tư vào khu vực này cũng cần thận trọng. Hầu hết các tỉnh thành biên giới vẫn còn khá nghèo, nhu cầu chưa cao nên cần có chiến lược kinh doanh phù hợp. Bên cạnh đó, hệ thống luật lệ và chính sách ưu đãi còn chưa rõ ràng và thường thay đổi. Thất bại của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) là một ví dụ điển hình. Khi các chính sách ưu đãi cho khu kinh tế này không theo kịp tình hình mới, dẫn đến một loạt các doanh nghiệp đầu tư vào đây thua lỗ và phải đóng cửa.
Để khắc phục thực trạng trên, Chính phủ đã ban hành một số chính sách ưu đãi mới, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư ra biên giới như Quyết định 6300/QĐ-BCT năm 2014, tạo nền tảng cho việc phát triển kinh tế khu vực biên giới Campuchia. Những chính sách này được kỳ vọng không chỉ giúp cải thiện kinh tế tại các khu vực này, mà còn giúp tăng cường sự ổn định, hòa bình tại khu vực biên giới.
Nguyễn Sơn