Ảnh: divui.com

 
Tú Cẩm Thứ Ba | 07/06/2022 07:30

Sở thú thế hệ mới

Mô hình safari hoặc vườn thú tư nhân kiểu mới tại Việt Nam đang mang đến cách kinh doanh du lịch nhân văn và bền vững hơn.

Cách trung tâm Đà Lạt gần 40 km, vườn thú Zoodoo vẫn là lựa chọn của ngày càng nhiều du khách khi đến thành phố này. Mô hình sở thú mang về từ nước Úc được đánh giá là khá thành công tại Việt Nam sau hơn 5 năm hoạt động. Mất 10 năm xin phép ròng rã, chủ nhân của Zoodoo - một cặp vợ chồng quốc tịch Úc - mới được cơ quan chức năng nước Úc cho phép đưa hàng trăm con thú hoang dã thuộc 12 chủng loài từ Úc vào Việt Nam và được phía Việt Nam giao cho khai thác diện tích rừng thông 16 ha, kèm theo điều kiện không được đốn hạ một cây thông nào.

Đến vườn thú, du khách chỉ được tham quan theo tour với các khung giờ cố định, mỗi ngày Zoodoo khai thác 7 tour, mỗi tour kéo dài 1 giờ đồng hồ và có nhân viên thuyết minh đi kèm nhằm đảm bảo an toàn cho du khách lẫn loài thú. Với giá tham quan chỉ từ 50.000-100.000 đồng, Zoodoo tạo thêm nguồn thu từ bán hàng lưu niệm, ăn uống, phục vụ khách cắm trại...

 

Cũng tại Đà Lạt, đầu tháng 3/2022, trang trại du lịch Frenzy mở cửa đón khách với dịch vụ đầu tiên là chụp ảnh, chơi đùa cùng đàn cừu 200 con. Để hoàn chỉnh quy trình thuần dưỡng đàn cừu sinh trưởng ở Ninh Thuận, kỹ thuật viên tại Frenzy mất 3 năm nghiên cứu. Hiện tại, bên cạnh đàn cừu số lượng ổn định phục vụ du lịch và cung cấp nhu cầu giống chăn nuôi, Frenzy đang mở thêm không gian nuôi bồ câu Pháp, chó cảnh Alaska, thỏ cảnh... Nguyễn Thanh Thu Cúc, chủ trang trại, dự định: “Nếu có không gian môi trường sinh thái 10 ha tại Đà Lạt, Frenzy sẽ nhân rộng đàn cừu hàng chục ngàn con theo mô hình thả nuôi hoang dã trên thảo nguyên xanh”.

Thời gian qua, mô hình trang trại kết hợp nuôi ngựa, cừu, thỏ phục vụ nhu cầu vui chơi với động vật của du khách đã lan rộng ở nhiều tỉnh, thành. Một trang trại cỡ nhỏ, diện tích khoảng 1 ha với chừng 100 con cừu, vài con ngựa cũng cần ít nhất 4-5 tỉ đồng. Còn với những safari hay vườn thú mở quy mô lớn kết hợp với các dịch vụ du lịch khác mà những doanh nghiệp lớn đã làm như Vinpearl, Mường Thanh, Vườn Xoài... có vốn đầu tư lên đến vài trăm tỉ đồng. Mở cửa cách đây 14 năm, Vườn thú Đại Nam (Bình Dương) có vốn đầu tư hơn 50 tỉ đồng.

Mới đây, Sở Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, việc cho thuê đất rừng ở xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) làm khu safari đang được hoàn tất thủ tục hồ sơ để ký kết hợp đồng. Trước đó, vào năm 2017, Công ty Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài đề xuất đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái và safari Vườn Xoài 2 với số vốn dự kiến 1.000 tỉ đồng. Công ty Vườn Xoài có hơn 10 năm vận hành Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài tại phường Phước Tân, Biên Hòa.

Dự án này đang sở hữu một lượng lớn thú hoang dã được nhập về từ Nam Phi. Nhận thấy số lượng cá thể thú ngày càng tăng trong khi không gian dần hạn hẹp, Công ty Vườn Xoài đã đề xuất chủ trương được đầu tư dự án Vườn Xoài 2. Tính đến nay vườn thú bán hoang dã Vườn Xoài đã thuần dưỡng và nhân giống thành công nhiều loài thú hoang dã có giá trị bảo tồn cao.

 

Khi du lịch phát triển, loại hình safari - khu bảo tồn bán hoang dã được một số doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng đầu tư. Quy mô lớn nhất hiện nay có thể kể đến Vinpearl Safari Phú Quốc với 3.000 cá thể thuộc 150 loài, Mường Thanh Safari Land, Diễn Châu Nghệ An với hơn 2.000 cá thể thuộc 80 loài. Nhiều safari đang hoặc chuẩn bị triển khai như Quần thể bảo tồn thiên nhiên và du lịch sinh thái Hạ Long, Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật hoang dã Vũ Yên (Hải Phòng), Công viên động vật hoang dã bên sông và khu bảo tồn sinh thái trên cạn Gia Lâm (Hà Nội), Khu du lịch sinh thái Safari Bình Thuận.

Để được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, các safari hoặc vườn thú mở này đều cố gắng đạt chứng chỉ Welfare Certification về đảm bảo điều kiện phúc trạng động vật của Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á, có kế hoạch gia nhập Hiệp hội Vườn thú Thế giới (WAZA).

Xu hướng đầu tư này là tất yếu khi hình ảnh động vật bị nhốt trong chuồng chật hẹp không còn hấp dẫn, thậm chí gây phản cảm. Tại các sở thú kiểu cũ, du khách không thể tìm hiểu những thông tin thú vị về động vật hoang dã, bởi các hoạt động thường ngày của chúng trong tự nhiên không được thể hiện khi cuộc sống chỉ diễn ra trong 4 bức tường. Nhiều loài sống theo bầy đàn thường bị tách ra để nuôi một mình hoặc nhiều lắm là theo cặp. Việt Nam hiện có khoảng 18.000 cơ sở đăng ký gây nuôi, bảo tồn động vật hoang dã. Trong đó, không ít vườn thú được xây từ lâu, có điều kiện chuồng trại chật hẹp, mất vệ sinh.

Dave Morgan, chuyên gia của tổ chức Wild Welfare, nhận định: “Với động vật trong các vườn thú, việc bảo đảm an toàn cho chúng là chưa đủ mà còn phải làm sao để chúng được sống hạnh phúc qua việc chăm sóc và tạo môi trường sống tốt nhất, giúp chúng giữ được các tập tính tự nhiên”.

Các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới đã đề xuất kế hoạch xóa bỏ các sở thú trong 25-30 năm, chừng đó thời gian đủ để xây dựng hồ sơ về các chi tiết quan trọng như chế độ ăn uống, không gian sống và chương trình phóng thích. Tại Việt Nam, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc các công viên, vườn bách thú xây dựng lộ trình phù hợp để trả thú hoang về môi trường tự nhiên, thay bằng các vườn thú ở xa đô thị với môi trường còn đủ hoang sơ.