Số lượng lao động đang làm việc năm 2012 cao gấp gần 1,8 lần năm 1990
Ước năm 2012 số lượng lao động đang làm việc đã cao gấp gần 1,8 lần năm 1990, bình quân 1 năm tăng 2,58%. Nguồn lao động của Việt Nam còn tiếp tục tăng, do thời kỳ “dân số vàng” được dự đoán sẽ còn kéo dài trong trên 30 năm nữa.
Tốc độ tăng khá cao của số lao động đang làm việc do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do tốc độ tăng dân số mặc dù đã chậm lại nhưng vẫn ở mức trên 1%/năm, tức là mỗi năm vẫn tăng gần 1 triệu người. Một nguyên nhân khác là do việc chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung bao cấp hiện vật sang cơ chế thị trường.
Sự chuyển đổi này đã tạo điều kiện cho sự hình thành của doanh nghiệp; thị trường lao động hình thành. Một nguyên nhân khác là Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực công ăn việc làm. Trong 6 tháng năm nay, cả nước đã giải quyết việc làm cho 735 nghìn lao động, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng 45,9% kế hoạch cả năm.
Chuyển dịch cơ cấu lao động
Tỷ trọng của lao động khu vực nhà nước, nếu năm 1990 là 11,6% thì năm 2011 còn 10,4%, khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tương ứng tăng từ 88,4% lên 89,6%. Năm 2011 so với năm 1990, tổng số lao động đang làm việc tăng trên 20,91 triệu người, khu vực nhà nước tăng trên 1,83 triệu người, chiếm gần 8,8%; hai khu vực còn lại đã tăng 19,07 triệu người, chiếm 91,2%.
Cơ cấu lao động theo nhóm ngành kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giảm từ 73% năm 1990, xuống còn 48,4% năm 2011. Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng đã tăng từ 11,2% lên 21,3%. Nhóm ngành dịch vụ đã tăng từ 15,8% lên 30,3%.
Trong tổng số tăng 2011 so với 1990 (20,91 triệu người), thì nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,75 triệu người, chiếm 13,1%; nhóm ngành công nghiệp và xây dựng tăng 8,01 triệu người, chiếm 38,3%; nhóm ngành dịch vụ tăng 10,3 triệu người, chiếm 49,2%.
Tỷ lệ thất nghiệp
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động tại khu vực thành thị đã giảm xuống, năm 1990 là 11,87% năm 2011 còn dưới 4%. Tốc độ tăng bình quân năm trong thời kỳ 1991- 2011 của GDP là 7,34%, của số lao động đang làm việc là 2,59%.
Xuất khẩu lao động hàng năm đạt 70- 80 nghìn người. Tổng số lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài hiện có khoảng 400 nghìn người; ở khoảng 40 nước, hiện mang về gần 2 tỷ USD/năm.
Năng suất lao động
Năng suất lao động của Việt Nam tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái của năm 2011 đạt gần 2400 USD/người, cao hơn so với mức của các năm trước (1990 đạt 265 USD, 1995 đạt 630 USD, 2000 đạt 842 USD, 2005 đạt 1237 USD, 2010 đạt 2067 USD), nhưng vẫn còn thấp xa so với nhiều nước ở Châu Á (như Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản).
Năng suất lao động thấp do nhiều nguyên nhân. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp. Tỷ trọng lao động làm việc trong nông, lâm nghiệp- thuỷ sản còn lớn, trong khi năng suất lao động của nhóm ngành này thấp (năm 2011 chỉ bằng 45,5% năng suất lao động chung, bằng 25,1% công nghiệp- xây dựng, bằng 36,3% dịch vụ). Công nghiệp - xây dựng có năng suất lao động cao nhất, nhưng tỷ trọng lao động lại thấp nhất; dịch vụ có năng suất lao động cao thứ hai, nhưng tính kiêm nhiệm còn lớn, kinh tế cá thể trong lĩnh vực thương mại chiếm tỷ trọng cao và tỷ trọng lao động thấp.
Mục tiêu 2012
Mục tiêu đề ra trong năm 2012 là giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tăng tốc độ và tỷ lệ lao động đã qua đào tạo. Tuy nhiên, châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng nợ công, đầu tư và tiêu dùng bị co lại, trong khi đây là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Kinh tế Mỹ vẫn chưa hồi phục. Các yếu tố đó sẽ tác động lớn đến xuất khẩu của Việt Nam.
Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển xã hội /GDP năm nay theo kế hoạch thấp so với năm trước (33,5% so với 34,6%). Tăng trưởng GDP năm 2012 theo mục tiêu ban đầu 6- 6,5% và đạt mục tiêu này sẽ rất khó khăn.
Nguồn Chính Phủ