Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ (với 80.100 doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Quý Hòa.

 
Nhật Anh Thứ Sáu | 12/08/2022 15:27

Số lượng doanh nghiệp nhỏ tăng mạnh

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 7 tháng năm 2022 tăng mạnh chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và những nỗ lực của Chính phủ trong việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2022 tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm nay đạt 133.700 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021 (vượt mốc 105.400 doanh nghiệp của năm 2021). Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tập trung chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ (từ 0-10 tỉ đồng) với 80.100 doanh nghiệp, chiếm 89,6% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ, một phần để tránh và giảm thiểu mức rủi ro thiệt hại do những hệ lụy từ dịch COVID-19 và từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Mặt khác, việc huy động vốn vào thời điểm này là rất khó khăn.

Với nền kinh tế có độ mở lớn, những tác động từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ta đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như chuỗi cung ứng nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất gặp khó khăn; giá cả một số nguyên vật liệu, giá cước vận tải trên thị trường thế giới tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu nguyên vật liệu trong nước. Ngoài ra, nguồn cung lao động bị ảnh hưởng nặng nề và có khả năng thiếu hụt tạm thời. Về phía doanh nghiệp, họ cần có thời gian để phục hồi, kết nối các nguồn cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, thị trường trở lại. 

Cuối cùng, thách thức đến từ những nguy cơ lưu thông hàng hóa bị hạn chế do giãn cách xã hội, đặc biệt luồng thương mại quốc tế bị thu hẹp khi dịch COVID-19 với biến thể mới đang tái bùng phát diện rộng trên toàn thế giới.

 

Do đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho rằng Chính phủ cần có giải pháp trọng tâm kiên định với mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nhưng không làm suy yếu các động lực tăng trưởng. Đồng thời tập trung một số giải pháp trọng tâm để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm 5 điều trọng tâm. 

Thứ nhất, đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra bình thường, không bị đứt gãy, gián đoạn. Thứ hai, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu. Thứ ba, tiếp tục vận động người lao động quay lại làm việc góp phần vào quá trình phục hồi của kinh tế. Chính quyền các địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp về xây dựng chỗ ở cho người lao động khi họ quay lại làm việc, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn bị ngừng việc, mất việc, triển khai các túi an sinh xã hội. 

Thứ tư, có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất 2% của nhà nước. Và cuối cùng, triển khai nhanh các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế” theo Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ kịp thời và hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm 

Nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam có tốc độ tăng trưởng trên 15%/năm

Nguồn Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam