Số liệu nợ công Việt Nam vừa thừa vừa thiếu
Song kết quả kiểm toán cho thấy, số liệu nợ công đến 31/12/2012 giảm 1.632,6 tỷ đồng so với số tại báo cáo nói trên, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết tại phiên họp sáng 17/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nguyên nhân giảm được Kiểm toán Nhà nước nêu tại báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 là do Bộ Tài chính đã tổng hợp thừa, thiếu một số khoản vay/nợ.
Cụ thể, tổng hợp thiếu 1.292,4 tỷ đồng. Trong đó cập nhật không kịp thời nợ nước ngoài 1.244 tỷ đồng, tổng hợp thiếu các khoản vay khác của chính quyền địa phương 6,4 tỷ đồng, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh 42 tỷ đồng.
2.925 tỷ đồng là số tổng hợp thừa. Trong đó trái phiếu, tín phiếu kho bạc nhà nước là 1.283 tỷ đồng, vay chuyển đổi nợ Nga 346 tỷ đồng, vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh 1.296 tỷ đồng.
Phân tích nguyên nhân, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, năm 2012 công tác quản lý nợ công của Bộ Tài chính chưa được tập trung vào một đầu mối là Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, dẫn đến số liệu còn sai sót.
“Do đặc điểm tổ chức quản lý và công tác kế toán, lập báo cáo thông tin về nợ công phân tán, Kiểm toán Nhà nước không đủ cơ sở xác nhận số liệu nợ công năm 2012”, ông Vạn báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với nợ phải trả nước ngoài dùng cho vay lại đến 31/12/2012, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết là tương đương 14,27 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm 2011. Dư nợ cho vay lại đối với các khách hàng/dự án vay lại là 11,8 tỷ USD.
Việc quản lý các khoản vay này còn nhiều hạn chế, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước. Như, chưa có tổng hợp, phân tích, đánh giá rủi ro đối với khoản cho vay lại để xác định tình hình nợ xấu và nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ.
Mặt khác, việc ghi thu ghi chi chậm chưa được khắc phục theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước các năm 2010, 2011 nên tình trạng các chủ dự án nhận nợ chậm, thu hồi gốc, lãi về quỹ tích lũy không kịp thời còn khá phổ biến.
Vẫn tính đến thời điểm 31/12/2012, nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 7,2 tỷ USD, tăng 28,57% so với năm 2011. Kết quả kiểm toán cho thấy có khá nhiều điều đáng lo ngại ở lĩnh vực này.
Cụ thể, tại thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh, hầu hết các chủ đầu tư dự án chưa bố trí đủ mức vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư. Hay, 16/53 dự án đã hoàn thành rút vốn và nghiệm thu quá 6 tháng nhưng chưa đăng ký tài sản đảm bảo… Đáng chú ý là việc ứng trả nợ thay cho các dự án được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng ngày càng tăng.
Để khắc phục các hạn chế, sai sót nêu trên, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra khá nhiều kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng, trong đó có việc chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan điều chỉnh số liệu nợ công theo kết quả kiểm toán.
Nguồn Vneconomy