Số lao động ngành dầu khí mất việc ngày một tăng
Lời hứa công việc ổn định và mức lương ¼ triệu USD mỗi năm đã thuyết phục được Clara Correa Zappa, người Colombia, và chồng cô, người Anh, đến Perth, Australia vào thời kỳ bùng nổ dầu khí tại lục địa này.
Ngành dầu khí có nhu cầu rất lớn kỹ sư trong năm 2012 khi giá dầu ở trên 100 USD/thùng. Trong vòng 2 năm qua, giá dầu đã giảm gần 50% và Zappa đã mất việc làm với vị trí phân tích an toàn. Giờ đây, cô đang lo ngại rằng chồng cô, cũng làm cùng ngành, có thể cũng mất việc.
Những mối lo ngại như vậy ngày càng tăng vào thời điểm ngành năng lượng toàn cầu liên tục cắt giảm nhân lực và giãn thợ, lên đến trên 100.000 người, theo Swift Worldwide Resources, hãng nhân sự với văn phòng khắp toàn cầu.
Lo ngại của Zappa cũng chính là tâm lý của hàng nghìn công nhân/người lao động đã đổ xô đến những nơi bùng nổ dầu mỏ và khí đốt trên toàn thế giới trong những năm giá dầu ở 100 USD/thùng, theo Tobias Read, Giám đốc điều hành Swift. Tuy phần lớn sự chú ý về giãn thợ tập trung vào Mỹ, song công nhân/người lao động tại các lĩnh vực liên quan đến dầu mỏ toàn cầu cũng đang phải gánh chịu hậu quả.
Theo ông Read, trong 7 năm qua, ngành dầu khí luôn thiếu lao động, nhưng giờ đây, lần đầu tiên, xuất hiện tình trạng dư thừa.
Hết lần này đến lần khác, kỹ sư Dipankar Das nghe tin bạn bè ông trong ngành dầu khí phải nghỉ việc khắp nơi trên lãnh thổ Australia. Một người bạn của ông ở một công ty được đề nghị nghỉ 1 năm không lương. Nhiều người khác phải rời bỏ.
Viễn cảnh chưa lấy gì làm sáng sủa. Sau khi tăng lên trên 50 USD/thùng trong tháng 2, giá dầu Mỹ lại đột nhiên giảm xuống 48,84 USD/thùng hôm thứ Tư 11/2. Trong khi đó, Citigroup Inc cho biết, giá dầu có thể xuống 20 USD/thùng vào tháng 4 năm nay nếu tình trạng dư cung vẫn tiếp tục.
Bao lâu nữa thì tình trạng giãn thợ sẽ chấm dứt đang là câu hỏi chính của người lao động trong ngành dầu khí. Giám đốc điều hành các công ty lớn kể cả BP Plc và Royal Dutch Shell Plc đã thông báo việc cắt giảm chi tiêu hơn 40 tỷ USD và sẽ thắt chặt hơn nữa nếu thị trường không hồi phục.
Các công ty năng lượng kể cả BG Group Plc và Woodside Petroleum Ltd – đã chi 70 tỷ USD để xây dựng các nhà máy xuất khẩu khí đốt thiên nhiên ở Australia – đang có kế hoạch hoãn tiến độ các dự án này và giãn thợ, khiến công nhân không còn biết đi đâu sau khi mất việc.
Tại Brazil, vụ bê bối khiến giám đốc điều hành Petroleo Brasileiro SA phải từ chức hôm 4/2 càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng trong ngành dầu khí.
Khó khăn tại Brazil đã khiến nhiều dự án dầu khí tại Macae, thành phố 230.000 dân cách Rio de Janeiro 186 km về phía đông bắc, bị ngừng trệ. Các trường học quốc tế phải đóng cửa khi công nhân tại các dự án dầu khí tại đây bị điều đến các vùng khác và số tiền thuê mỏ của thành phố trong năm nay có thể giảm 50%, theo Joao Manuel Alvitos, giám đốc Sở kế hoạch thành phố.
Viễn cảnh ngành dầu khí Mexico cũng ảm đạm. Cuối năm 2013, nước này bắt đầu tiến các biện pháp sửa đổi hiến pháp và chấm dứt tình trạng độc quyền kéo dài 7 thập kỷ, với dự đoán các công ty dầu khí lớn nhất thế giới sẽ đầu tư vào nước này hàng tỷ USD.
Petroleos Mexicanos – đang sử dụng 153.000 công nhân và cam kết bảo vệ người lao động trong bối cảnh giá dầu lao dốc – đã bắt đầu cắt giảm hợp đồng và mua bán trong năm nay trong một nỗ lực tiết kiệm 2-3 tỷ USD. Kế hoạch này đã khiến 8.000 công nhân – phần lớn tập trung tại thành phố cảng Ciudad del Carmen – mất việc làm, Gonzalo Hernandez, giám đốc Phòng Phát triển Kinh tế thành phố cho biết.
Nguồn DVO/Bloomberg