"Sở hữu chéo ngân hàng đã tới mức báo động'"
Theo ông, để xảy ra tình trạng trên có những nguyên nhân sâu xa từ tình trạng kinh tế vĩ mô và vi mô. Trong đó, nguyên nhân vĩ mô bao trùm là chính sách tiền tệ nới lỏng trong giai đoạn 2006-2010. Đây là nhân tố khiến cho tín dụng bùng nổ.
Để có thể đáp ứng được nhu cầu tín dụng quy mô lớn, họ phải liên kết hoặc sở hữu ngân hàng để đảm bảo việc cung ứng vốn không bị gián đoạn. Tương tự, các ngân hàng cũng chịu áp lực tăng trưởng nên thường có xu hướng cho các doanh nghiệp thân quen vay để giảm thời gian đánh giá và thẩm định hồ sơ.
Một nguyên nhân khác dẫn đến mối quan hệ sở hữu chéo của Việt Nam trở nên nghiêm trọng, theo ông Minh, là quyết định chuyển đổi 13 ngân hàng nông thôn thành ngân hàng thành thị trong giai đoạn 2005-2007. Các nhà băng này trước khi chuyển đổi, vốn điều lệ chỉ khoảng vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Nhưng theo yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ vào năm 2011, họ phải tăng vốn chủ sở hữu lên 10-20 lần chỉ trong vòng chỉ 5 năm. Để tăng vốn chủ sở hữu với tốc độ lớn như vậy trong thời gian ngắn, các ngân hàng này buộc phải dựa vào vốn đóng góp của chính các tập đoàn nhà nước và tư nhân, và tự biến mình thành "sân sau" của các tổ hợp doanh nghiệp.
Bên cạnh đó còn các nhân tố khác chi phối. Thứ nhất là sự thiếu vắng nguồn nhân lực quản lý cấp cao tại các ngân hàng thương mại Việt Nam và sự thiếu minh bạch thông tin của khu vực doanh nghiệp và khung pháp lý giải quyết nợ xấu, nợ khó đòi còn chưa hoàn thiện.
Để tìm ra giải pháp phù hợp, giảm hoặc hạn chế các tác hại của quan hệ sở hữu chéo, Tiến sĩ Minh cho rằng cần phải tìm hiểu kỹ lợi ích của hiện tượng này, chí ít là cho những công ty tham gia vào hình thành quan hệ sở hữu chéo.
Bởi theo chuyên gia, nếu không có lợi ích kinh tế thì hiện tượng này không thể tồn tại lâu dài. "Việc tìm hiểu các lợi ích song song với tác hại của sở hữu chéo sẽ cho ra một bức tranh đầy đủ hơn về các thuận lợi và khó khăn của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam khi có sự hiện diện của quan hệ sở hữu chéo", vị này nhận định.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Minh không khỏi lo lắng khi ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình tái cấu trúc hệ thống tín dụng ngân hàng của sở hữu chéo là nguy cơ sụt giảm giá vốn khi tiến hành loại trừ sở hữu chéo. Bởi trong điều kiện nền kinh tế chưa khởi sắc, việc thoái vốn có thể khiến cho bên sở hữu cổ phần phải ghi nhận thua lỗ. Đây là một điều rất khó cho các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành bởi việc phải ghi nhận lỗ như vậy sẽ ảnh hưởng đến thành tích kinh doanh của họ.
Ngoài ra, khi bị thoái vốn thị giá cổ phiếu của ngân hàng mà doanh nghiệp đầu tư cũng chịu sức ép giảm do tăng cung. Nếu đây là các ngân hàng gia đình thì sẽ có thể gặp sự kháng cự từ người chủ sở hữu. Yêu cầu thoái vốn như vậy sẽ khiến cho các chủ đầu tư tư nhân này thua lỗ ở cả hai đầu và khi đó các nhà băng cũng khó có thể huy động thêm nguồn vốn mới để giải quyết nợ xấu. Trong trường hợp này, gánh nặng xử lý nợ xấu sẽ đặt lên vai VAMC lớn hơn.
Ông Minh nhìn nhận, giải pháp cho vấn đề sụt giảm giá vốn khi loại bỏ sở hữu chéo tuỳ thuộc vào mối quan hệ sở hữu này là gì. Nếu cả hai đều là các tổ chức tín dụng thì giải pháp tốt nhất là sáp nhập với nhau, ghi nhận thua lỗ và sụt giảm vốn chủ sở hữu. Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ khả năng thanh toán trong giai đoạn đầu hoặc bằng tái cấp vốn hoặc bằng góp vốn.
Trong trường hợp nếu bên sở hữu ngân hàng là doanh nghiệp phi tài chính thì cách tốt nhất là doanh nghiệp bán lại cho tổ chức tài chính nước ngoài có năng lực tài chính tốt và cho phép tổ chức tài chính nước ngoài nắm cổ phần chi phối bằng cách yêu cầu bơm thêm vốn. Và cuối cùng nếu ngân hàng là đơn vị sở hữu doanh nghiệp thì ngân hàng có thể phải dùng vốn chủ sở hữu để ghi nhận thua lỗ và xin hỗ trợ tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước.
Từ những phân tích trên, tiến sĩ Minh kết luận vấn đề sở hữu chéo về bản chất có nguyên nhân từ sự yếu kém của thị trường. Vì thế, giải pháp dài hạn để ngăn chặn là cần tập trung mạnh hơn vào việc xây dựng thị trường tín dụng và thị trường vốn minh bạch, có chi phí giao dịch thấp.
Nguồn VnExpress