Sở hữu chéo, gỡ được đến đâu?
Tại Việt Nam, tình trạng sở hữu chéo được đánh giá là nghiêm trọng với điển hình là vụ “đại án” kinh tế “bầu Kiên” sắp được đem ra xét xử. Bằng nhiều thủ đoạn, Nguyễn Đức Kiên đã tạo ra ma trận vốn ảo hàng chục ngàn tỷ đồng để góp vốn vào nhiều ngân hàng, thực hiện hành vi thao túng lũng đoạn thị trường tài chính.
Sở hữu chéo, hệ lụy từ phát triển nóng
Để xảy ra hiện tượng này có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó cóviệc chuyển đổi 13 ngân hàng nông thôn thành ngân hàng thành thị trong giai đoạn 2005-2007. Theo yêu cầu vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷđồng, các ngân hàng này đã buộc phải tăng vốn lên 10-20 lần chỉ trong vòng 5 năm. Để tăng vốn chủ sở hữu với tốc độ lớn như vậy trong thời gian ngắn, các ngân hàng này buộc phải dựa vào vốn đóng góp của chính các tập đoàn nhà nước và tư nhân, và tự biến mình thành “sân sau” của họ.
Trong khi đó, chúng ta không phải là không có các qui định khống chế tình trạng này. Cụ thể Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 (có hiệu lực từ năm 2011) không cho phép các TCTD sở hữu cổ phần (CP)lẫn nhau; không cho phép các công ty con, công ty liên kết của một TCTD được góp vốn, mua CP của chính TCTD đó; hạn chế cấp tín dụng cho một số đối tượng và các công ty con... Luật cũng quy định, một cá nhân không được sở hữu quá 5% CP, một tổ chức không được sở hữu quá 15%CP (trừ một số trường hợp đặc biệt), cổ đông và người có liên quan không được sở hữu quá 20%CP của một TCTD. Các quy định này rất chặt chẽ và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng trên thực tế, đến nay vẫn có nhiều quy định chưa được thực thi.
Đơn cử như, đối với quy định về tỷ lệ sở hữuCP tại các TCTD, mặc dù Luật đã có hiệu lực hơn 3 năm, nhưng đến nay thông tư hướng dẫn vẫn nằm ở dạng "dự thảo". Đó cũng là lý do tuần qua báo chí đặt vấn đề về việcnhiều cá nhân sở hữu cổ phần tại ngân hàng vượt mức quy định, hoặc sở hữu cổ phần vượt mức tại hơn một ngân hàng nhưng chưa thể có biện pháp xử lý.
Cụ thể nhưbáo cáo quản trị 6 tháng cuối năm 2013 của Southern Bank cho thấy, ông Trầm Bê là cổ đông cá nhân lớn nhất của ngân hàng này với tỷ lệ sở hữu 8,36% CP, mặc dù không giữ chức vụ chủ chốt. Cùng với số cổ phần của các thành viên khác, tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Trầm Bê tại ngân hàng này lên đến hơn 20%, vượt mức quy định.
Trong khi đó, theo báo cáo quản trị 2013 của Sacombank, tổng số vốn mà ông Trầm Bê cùng các con đang nắm giữ tại ngân hàng này là 6,78%. Báo cáo quản trị 6 tháng cuối năm của một ngân hàng khác cũng cho thấy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ngân hàng này sở hữu gần 7% CP BacABank, Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này cũng giữ gần 5,2% CP.
Theo thống kê, hiện cũng có ít nhất 6 NHTMCP đang có cổ đông là một NHTMCP khác. Chẳng hạn, Eximbank hiện sở hữu 10,6% CP tại Sacombank, 8,5% CP tại ngân hàng Việt Á.
Giảm sở hữu chéo phụ thuộc vào cải cách thị trường
Trong một hội thảo quốc tế về giám sát tài chính cuối năm 2013, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định rủi ro phát sinh từ việc đầu tư đan xen giữa các định chế trên thị trường tài chính, nhất là giữa ngân hàng và chứng khoán, cũng như rủi ro phát sinh từ sở hữu chéo vẫn đang là những thách thức lớn.
TS. Lê Xuân Nghĩa mới đây cũng đánh giá sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng là một trong ba rủi ro lớn của cải cách ngân hàng. Theo ông, chưa thể một sớm một chiều xử lý được hiện tượng này bởi luận tội về sở hữu chéo và lũng đoạn rất khó trong khi Việt Nam chưa có khung pháp lý.
Theo các chuyên gia, sở hữu chéo có những lợi ích nhất định cho nền kinh tế. Tuy nhiên, sự tồn tại của sở hữu chéo lại khiến cho thị trường bị tổn hại, không phát triển được. Thực tế, một trong những nguyên nhân khiến sở hữu chéo ở Việt Nam “phát triển” là do các điều kiện thị trường chưa hoàn thiện. Bởi thông thường, sở hữu chéo đem lại lợi ích lớn nhất cho các bên là trong điều kiện chi phí thị trường lớn, do thông tin kém minh bạch, hệ thống pháp lý yếu kém, biến động thị trường mạnh.
Vì thế, bên cạnh việc sớm hoàn thiện văn bản pháp lý, giải pháp dài hạn để ngăn chặn sở hữu chéo là cần tập trung mạnh hơn vào việc xây dựng thị trường tín dụng và thị trường vốn minh bạch, có chi phí giao dịch thấp. Chính sách giảm sở hữu chéo làcần thiết, nhưng giảm sở hữu chéo được đến đâu trên thực tế lại phụ thuộc vào việc xây dựng thị trường hiệu quả đến mức độ nào.