Thứ Tư | 26/11/2014 09:31

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đặt ở đâu?

Đề án của Bộ Tài chính về việc sáp nhập hai sở giao dịch chứng khoán thành một, lấy tên là Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Đề án của Bộ Tài chính về việc sáp nhập hai sở giao dịch chứng khoán thành một, lấy tên là Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (SGDCKVN), đã được Chính phủ yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung để trình lại. Một trong những điểm nhấn của đề án là bộ đưa ra hai phương án: hoặc đặt trụ sở của SGDCKVN ở Hà Nội, hoặc ở TPHCM. Chẳng lẽ một vấn đề mang tính kỹ thuật như trụ sở ở đâu cũng phải Chính phủ quyết định?

Giới chứng khoán nói trụ sở của SGDCKVN chỉ là cái cớ. Có ý kiến cho rằng trụ sở đặt ở đâu, có thể lấy bộ máy, nhân sự của sở cũ ở đó làm rường cột, coi như sở kia sáp nhập vào. Đây là chuyện tế nhị, nên khi xây dựng đề án, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, rồi Bộ Tài chính để cả hai phương án.

Theo một số chuyên gia và các nhà kinh tế, SGDCKVN nên đặt ở TPHCM bởi thị trường chứng khoán đã khai sinh ở đây. Sàn thành phố là nơi niêm yết nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, những blue-chips đại diện cho nhiều ngành nghề, tham gia tạo dựng nên bộ mặt thị trường. Những doanh nghiệp được chọn lựa vào các chỉ số của các quỹ ngoại hay chỉ số MSCI các thị trường cận biên, đều xuất phát từ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (Hose). Giá trị và khối lượng giao dịch hàng ngày của Hose cũng gấp 2-3 lần Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (Hnx). Chưa kể TPHCM là trung tâm kinh tế năng động, lớn nhất cả nước, tâm điểm của khu vực kinh tế phía Nam và miền Trung.    

Một nửa ý kiến nhấn mạnh SGDCKVN nên đặt ở Hà Nội, thủ đô cả nước, gần các cơ quan đầu não, nơi ban hành các chính sách về quản lý, điều hành thị trường. Họ dẫn chứng cũng do gần, mà các hoạt động của HNX nhận được sự quan tâm, tham dự nhiều hơn hẳn của các cấp lãnh đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. HOSE do ở xa, cả năm mới thấy lãnh đạo cấp bộ đến tham gia họp hành, chỉ đạo hoạt động.

Cứ thế, các ý kiến rẽ theo hai ngả, khiến năm 2014 sắp hết, việc thành lập sở mới vẫn chưa thực hiện được.

Vấn đề trụ sở trên thực tế không có ý nghĩa gì nhiều nếu đặt cạnh những chuyện lớn và mang tính then chốt cho sự phát triển thị trường.

Vấn đề trụ sở trên thực tế không có ý nghĩa gì nhiều nếu đặt cạnh những chuyện lớn và mang tính then chốt cho sự phát triển thị trường như làm sao để tái cấu trúc hai sở, hợp nhất công nghệ; làm thế nào thu hút thêm doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư tham gia, vốn nội - vốn ngoại... Nhà đầu tư nào cũng thấy thực trạng của hai sàn hiện khá “lộn xộn”, công ty lớn - nhỏ đan xen nhau. Sàn Hnx được định hình là nơi tập trung các doanh nghiệp nhỏ, vừa; còn HOSE là nơi niêm yết doanh nghiệp tầm trung trở lên. Tuy không quy định thành luật, song nhiều công ty đều chọn niêm yết ở HOSE do sự minh bạch trong giao dịch tại đây chuẩn hơn. Với biên độ giao dịch nhỏ hơn (cộng trừ 7%/ngày), khối lượng khớp lệnh lớn, thanh khoản cao, các cổ phiếu ở HOSE, công bằng mà nói, khó bị làm giá, khó bị dẫn dụ bởi đội lái hơn HNX. Đã đến lúc, nếu lấy VN-Index làm chỉ số chuẩn cho chứng khoán Việt Nam, thì phải có các quy định mang tính bắt buộc, cụ thể về quy mô, điều kiện niêm yết của riêng từng sàn. Không nên để những công ty vốn điều lệ 80-100 tỉ đồng ở Hose, trong khi trên HNX nhiều doanh nghiệp tương đối tầm cỡ, vốn hàng ngàn tỉ đồng, lại không được tham gia vào giỏ Index. Điều này không chỉ làm giảm bớt cơ hội của doanh nghiệp, mà thu hẹp cả lợi ích chung của thị trường.

Có lẽ ngay từ giờ và không nên chậm trễ hơn nữa việc hình thành một sàn niêm yết cao cấp với khoảng 100-200 doanh nghiệp đại diện cho nền kinh tế. Đây là những công ty đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính đại chúng, minh bạch thông tin, quản trị doanh nghiệp, hiệu quả làm ăn...để hút vốn nước ngoài cũng như tiền nhàn rỗi trong dân. Những doanh nghiệp còn lại có thể niêm yết ở sàn thứ cấp, hoặc ở UpCom nếu cần.

Ngoài ra, cần chuyên môn hóa hai mảng cổ phiếu và trái phiếu vì trái phiếu trong tương lai mới là kênh dẫn vốn mạnh. Hiện quy mô, khối lượng giao dịch hàng ngày của trái phiếu đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa thể tạo thành một kênh nhộn nhịp, kích thích vòng quay tiền trong nền kinh tế. Nhiều chủ thể vẫn nắm giữ trái phiếu dài hạn do hàng hóa đơn điệu, tính thanh khoản thấp. Gần đây đã có những đề xuất niêm yết cả tín phiếu ngân hàng để gia tăng thanh khoản cho kênh trái phiếu, nhưng hiện chưa tiến hành, có lẽ bởi tín phiếu phần lớn có kỳ hạn ngắn (28 ngày) và giao dịch diễn ra giữa các tổ chức tín dụng với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm một mục tiêu nhất định. Nếu các chủ thể khác cũng nắm giữ tín phiếu và gián tiếp giao dịch với NHNN, sẽ như thế nào?

Một điểm nữa là sau khi SGDCKVN ra đời, sở sẽ hoạt động theo mô hình nào? Tiếp tục mô hình quản lý như HNX, HOSE hiện nay hay chuyển sang mô hình công ty cổ phần? Trước đây HOSE đã có lần đề cập đến mô hình công ty cổ phần như sở giao dịch chứng khoán các nước nhằm tăng tính độc lập. Dù áp dụng mô hình nào, SGDCKVN cũng phải đảm bảo trước tiên vai trò giám sát thị trường. Quan sát kỹ có thể thấy trong vòng hai năm trở lại đây, HNX làm rất tốt công tác giám sát thị trường và có các sáng kiến cũng như quy định mới nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, chuẩn bị cho việc hình thành thị trường các sản phẩm phái sinh. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, quan hệ với các phương tiện truyền thông của HNX được cải tiến và cập nhật thường xuyên. HNX thừa nhận vai trò không thể thiếu của báo chí, phương tiện truyền thông trong việc giúp sở thực hiện nhiệm vụ giám sát thị trường. Những dấu cộng này phải được tiếp tục duy trì khi sở mới đi vào hoạt động. 

Nguồn Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn