Chân dung hai "đại gia" đóng góp mạnh nhất cho ngành Viễn thông. Nguồn: Baodautu

 
Kim Dung Thứ Ba | 12/11/2019 09:08

So găng kết quả kinh doanh hai "đại gia" viễn thông trên sàn: FPT Telecom và Viettel Global

Theo thống kê của FiinPro, trong quý III/2019 ngành viễn thông có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất, trong đó đóng góp chính là FOX và VGI...

Số liệu thống kê từ FiinPro tính đến 01/11/2019, ngành Viễn thông, Bảo hiểm và Ngân hàng là những ngành có lợi nhuận ròng quý III/2019 tăng trưởng lớn nhất so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong đó, ngành Viễn thông tăng trưởng lợi nhuận gấp 3,5 lần so với quý III/2018. Số liệu phân tích của FiinPro cũng chỉ ra mức đóng góp chủ yếu đến từ Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, UPCoM: VGI) và CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom, UPCoM: FOX) với mức đóng góp lần lượt là 59 tỷ (lợi nhuận dành cho cổ đông công ty mẹ) và 340 tỷ đồng.

Theo đó, hai “đại gia” này với những nét vẽ riêng đã tạo ra bức tranh nhiều màu đối với ngành Viễn thông.

Xét về hoạt động kinh doanh chính của hai công ty, nếu như FPT Telecom luôn duy trì được biên lợi nhuận gộp trong khoảng 45%-49% từ quý I/2018 đến nay thì Viettel Global lại cải thiện biên lợi nhuận gộp qua mỗi giai đoạn. Và đến quý III/2019, Viettel Global đạt mức biên lợi nhuận gộp hơn 38,7%, tăng hơn 8 điểm % so với quý III/2018.

Nguồn: NCĐT tổng hợp.
Nguồn: NCĐT tổng hợp.

Về định hướng phát triển trong năm 2019, FPT Telecom cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng viễn thông, mở rộng vùng phủ để phát triển thuê bao mới. Đẩy mạnh phát triển và mở rộng quy mô mảng Truyền hình trả tiền, đa dạng hóa nội dung và dịch vụ mới trên nền tảng hạ tầng có sẵn. Công ty sẽ triển khai đầu tư vào các dịch vụ mới như các dịch vụ đám mây (Cloud), IP Camera…

Còn đối với Viettel Global, công ty tập trung phát triển cả thị trường trong và ngoài nước. Trong báo cáo thường niên 2018, Viettel Global cho biết đã xây dựng các kế hoạch tài chính dài hạn cho 9/10 thị trường (thị trường Myanmar mới đi vào hoạt động vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện), với mục tiêu hoàn vốn 5 - 6 năm với thị trường châu Á, 8-10 năm với thị trường châu Mỹ, 12 - 13 năm với thị trường châu Phi.

Theo thông tin được đưa ra ở báo cáo thường niên 2018, các thị trường Viettel đầu tư, Data vẫn là dịch vụ cơ bản, dẫn dắt và làm nền tảng cho hệ sinh thái những dịch vụ nội dung như: OTT, thương mại điện tử… Tăng trưởng thuê bao thành thị thì có 8/9 thị trường (trừ Myanmar) tăng trưởng dương thuê bao khu vực thành thị. Tổng thuê bao thành thị toàn 10 thị trường tăng mới năm 2018 đạt 3,1 triệu thuê bao, trong đó thị trường tốt nhất là Myanmar.

Đồng thời, Viettel Global cũng chú trọng phát triển khách hàng doanh nghiệp, tích cực phát triển lĩnh vực thương mại điện tử: Doanh thu thương mại điện tử tuy tăng trưởng 1% so với năm 2017 nhưng tỷ trọng đóng góp chưa lớn, nguyên nhân do một số thị trường chưa thể kinh doanh ví dụ như: Haiti, Timor và Lào.

Nguồn: NCĐT tổng hợp.
Nguồn: NCĐT tổng hợp.

Nếu như FPT Telecom luôn duy trì được mức lợi nhuận sau thuế đều đặn trên 260 tỷ đồng mỗi quý thì kết quả kinh doanh của Viettel Global lại liên tục biến động. Điều này một phần đến từ rủi ro tỷ giá khi Viettel Global có sự đóng góp doanh thu ở nhiều thị trường khác nhau. Quý II/2019, Viettel Global ghi nhận mức tăng trưởng đột biến về lợi nhuận sau thuế. Giải trình về điều này, Viettel Global cho biết do Công ty giảm bớt hoạt động bán thiết bị để tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là cung cấp dịch vụ viễn thông, tối ưu chi phí vận hành khiến giá vốn hàng bán giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời trong quý II/2019, lợi nhuận từ mảng Metfone quý II/2019 tăng trưởng mạnh, Mytel tại Myanmar tiếp tục tăng tốt đã góp phần tích cực trong kết quả kinh doanh quý II/2019 của Viettel Global.

Nguồn: ACBS.
Nguồn: ACBS.

Theo số liệu được Công ty chứng khoán ACBS đưa ra trong báo cáo về ngành Viễn thông, VNPT, Viettel và FPT Telecom là 3 nhà cung cấp dịch vụ internet băng rộng cố định top đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt trước sự tăng tốc của Viettel với thị phần (theo thuê bao) tăng từ 13,7% năm 2014 lên mức 31% vào năm 2017, trong khi các công ty còn lại ghi nhận sự sụt giảm.

Khác biệt trong diễn biến giá cổ phiếu

Xét về cơ cấu cổ đông, cả FOX và VGI đều có tỷ lệ cổ phiếu giao dịch tự do khá thấp, lần lượt chỉ đạt 4,17% và 0,97%.  Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu của VGI và FOX lại có nhiều khác biệt. Nếu VGI luôn được giao dịch sôi động qua mỗi phiên giao dịch thì FOX lại có những giao dịch khá trầm lắng và giao dịch chỉ tập trung ở một vài phiên nhất định.

Từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu VGI đã tăng hơn 144% lên mức 31.500 đồng/cổ phiếu như hiện tại. Nguyên nhân một phần có lẽ là nhờ trong 9 tháng đầu năm nay, công ty lãi 780 tỷ đồng (dành cho cổ đông công ty mẹ), so với mức lỗ 881 tỷ đồng trong cùng kỳ 2018, khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất là hơn 271.000 cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu FOX chỉ dao động trong khoảng 40.000 - 46.000 đồng /cổ phiếu với khối lượng giao dịch không đáng kể.

► FPT muốn là công ty công nghệ

► Cổ phiếu họ Viettel tăng bằng lần trong nửa đầu năm 2019