SK Group tính lớn trong thương vụ Masan
Với khoản đầu tư trị giá 470 triệu USD, SK sẽ sở hữu 9,5% cổ phần của Masan Resources (MSN).
SK Group là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc với quá trình xây dựng những nền tảng kinh doanh thông qua tăng trưởng hữu cơ lẫn mua bán-sáp nhập (M&A). Đặc biệt, trong những năm qua, SK Group rốt ráo thúc đẩy các thương vụ M&A để mở rộng sản xuất đầu tư tại Việt Nam.
Điều này khá phù hợp với định hướng phát triển MSN trong những năm qua. Thương vụ này hứa hẹn tạo ra một lực đẩy lớn cho MSN trong những năm tiếp theo. Xét trên góc độ tài chính, MSN cho biết tập đoàn sẽ dùng một phần tiền để thanh toán một số khoản trái phiếu hoặc nợ, điều có thể giúp Công ty tiết kiệm tiền lãi và có thêm khoảng 50 triệu USD vào lợi nhuận thuần cho cả năm 2019, đồng thời giảm tỉ lệ nợ/EBITDA từ mức 3,7 lần xuống còn khoảng 2,5 lần vào cuối năm 2018.
Ngoài ra, Ban Đều hành MSN dự báo lợi nhuận thuần từ lĩnh vực kinh doanh chính sẽ tăng trưởng ít nhất 50% cho cả năm 2018 và đà tăng trưởng sẽ vẫn tiếp tục duy trì cho cả năm 2019 do mỗi lĩnh vực kinh doanh chính vẫn tiếp tục mang lại tăng trưởng cao.
Ông Woncheol Park, Giám đốc đại diện của SK tại Đông Nam Á, chia sẻ: “Việt Nam là nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn tại khu vực Đông Nam Á của chúng tôi. Những kết quả của Masan mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu trong việc khai thác tiềm năng tăng trưởng dài hạn và chúng tôi sẽ đồng hành cùng Masan đạt mục tiêu mức chi tiêu của mỗi người tiêu dùng cho các sản phẩm của Masan tăng lên 5 lần đạt mức 100 USD một năm”.
Giám đốc cấp cao của Bộ phận Chiến lược và Phát triển của Masan, ông Danny Le nói rằng, Masan và SK Group đều có chung một niềm tin vào khả năng trở thành người dẫn đầu trong các ngành có quy mô lớn, tốc độ tăng trưởng cao và tầm nhìn toàn cầu.
Có thể thấy, SK Group nhìn thấy cơ hội rộng mở và tiềm năng trong những lĩnh vực kinh doanh của Masan, đặc biệt là thông qua MSN, trở thành công ty hóa chất từ vonfram tích hợp hoàn chỉnh với quy mô và ảnh hưởng toàn cầu. Khả năng SK Group sẽ cùng Masan kết hợp để hoàn thiện chuỗi cung ứng cho Masan Resources hoặc có thể là khách hàng của nhau và sẽ giúp hai công ty cùng mở rộng tăng trưởng.
Trên thị trường thế giới, Samsung Electronics và SK Hynix (SKH)- công ty con của SK Group, là hai trong số những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới (lần lượt xếp thứ 1 và thứ 2), và SKH cũng là công ty sản xuất chất bán dẫn lớn thứ 5 thế giới. Nhu cầu chất bán dẫn là rất lớn vì là thành phần chủ yếu để sản xuất chip nhớ trong máy tính, điện thoại.
SKH hiện có 4 cơ sở sản xuất ở Vô Tích và Trùng Khánh (Trung Quốc) cũng như các địa điểm kinh doanh tại Hàn Quốc ở Icheon và Cheongju và nhiều nước trên thế giới. Chip nhớ của SKH được sử dụng trong các sản phẩm Apple như iMac, MacBook, MacBook Pro.
Việc mở rộng chuỗi cung ứng của SKH là một điều dễ hiểu, khi Công ty đang nỗ lực mở rộng sản xuất trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc sau nhiều năm nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến bán dẫn trị giá 260 tỉ USD vào năm 2017, quyết tâm đầu tư mạnh mẽ vào ngành chất bán dẫn để có thể tự cung cấp sản phẩm chất bán dẫn (vốn hiện chỉ đáp ứng 16% nhu cầu chất bán dẫn) tránh phụ thuộc nước ngoài, nhất là sau các thương vụ mua lại các công ty sản xuất chip Mỹ bị chính quyền Trump từ chối.
Mặt khác, nhu cầu màn hình OLED tăng khiến cho nhu cầu các nguyên vật liệu để sản xuất OLED cũng tăng theo, đặc biệt là các nhà sản xuất màn hình Hàn Quốc. Hiện tại, Công ty SK Materials đang là nhà cung cấp nguyên liệu chế tạo màn hình OLED lớn nhất thế giới. Hai đối tác lớn nhất của SK Materials cũng chính là LG và Samsung. Hai công ty này chiếm khoảng một nửa đơn đặt hàng của SK Materials.
Hiện nay, Trung Quốc chiếm phần lớn nguồn cung vonfram trên thế giới. Tuy nhiên, các chính sách kiểm soát tài nguyên môi trường của Trung Quốc đã và đang ảnh hưởng đến nguồn cung vonfram toàn cầu. Các đối tác Hàn Quốc vì thế cần phải tìm nguồn vonfram thay thế hoặc bổ sung.
Trong khi đó, năng lực sản xuất vonfram của nhà máy Núi Pháo là 9.000 tấn/năm. Hiện tại, MSN đang là nhà cung cấp tinh quặng vonfram hàng đầu ngoài Trung Quốc và chiếm 36% thị trường vonfram thế giới ngoài Trung Quốc. MSN có tầm nhìn trở thành nhà sản xuất hóa chất và kim loại công nghiệp cao cấp tích hợp hoàn toàn, có tầm cỡ thế giới. Vì vậy, cái bắt tay giữa Masan và SK Group có thể giúp Công ty sớm đạt được tham vọng này.