Thứ Tư | 16/01/2013 16:57

Singapore giảm nhập gạo Thái Lan, tăng mua gạo Việt Nam

Gạo Việt Nam và Myanmar có giá thấp hơn được người tiêu dùng Singapore lựa chọn trong thời buổi kinh tế khó khăn.
Truyền thông Indonesia dẫn nguồn tin từ Singapore cho biết người tiêu dùng đảo quốc sư tử đang mất dần đi thói quen ăn gạo Thái Lan có chất lượng cao hơn song giá đắt, để chuyển sang gạo của Việt Nam và Myanma có giá rẻ hơn.

Số liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2012 chỉ có 115.504 tấn gạo Thái được tiêu thụ tại quốc gia Đông Nam Á này, chiếm 35,4% tổng khối lượng gạo nhập khẩu - một tỷ trọng thấp nhất từ trước đến nay.

Trong năm 2011, lượng gạo Thái tiêu thụ chiếm 50,6% tổng nhập khẩu gạo của Singapore, giảm so với mức 52,8% năm 2010 và 62,1% năm 2009. Trong khi đó, nhập khẩu gạo từ các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ và Myanmar đã tăng gấp chín lần kể từ năm 2004.

Chủ tịch Hiệp hội Nhập khẩu gạo Singapore, Andrew Tan cho biết xu hướng sụt giảm nói trên bắt đầu từ năm 2008, khi giá gạo toàn cầu tăng. Sau đó, lũ lụt tại Thái Lan - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - đã dẫn đến tình trạng thiếu cung, trong khi các nước sản xuất lúa gạo khác cũng hạn chế xuất khẩu để đảm bảo đủ nguồn cung trong nước.

Phó chủ tịch Hiệp hội trên, Danny Tang nói: “Khi giá tăng, các nhà nhập khẩu Singapore bắt đầu tìm kiếm các nguồn cung thay thế rẻ hơn, và tỷ trọng gạo Việt Nam trong tổng lượng gạo nhập khẩu đã tăng từ 5% năm 2008 lên 20% hiện nay.”

Ông Danny Tang cho biết thêm rằng Singapore cũng mới nhập khẩu gạo từ Campuchia.

Chính sách thu mua lúa gạo lưu giữ để giữ giá gạo cao của Chính phủ Thái Lan cũng đã tác động đến người tiêu dùng Singapore, bởi một túi gạo thơm FairrPrice Gold 10kg của Thái Lan có giá tới 24,80 SGD, trong khi loại gạo tương tự của Việt Nam giá chỉ có 15,50 SGD (1 USD = 1,22 SGD).

Jenny Koh, một nhà nội trợ 53 tuổi, có ba con, đã chuyển sang mua gạo Việt Nam từ cách đây ba tháng nói rằng, tuy gạo Thái Lan có thơm hơn, song bà muốn chi ít hơn cho gạo để dành cho các loại thực phẩm khác trong thời buổi kinh tế khó khăn và giá cả gia tăng này.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện