Ảnh: TL
Singapore dẫn đầu về vốn FDI rót vào Việt Nam
Trong số 57 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4.268,1 triệu USD, chiếm 62,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; Đài Loan 646,4 triệu USD, chiếm 9,5%; Trung Quốc 507,2 triệu USD, chiếm 7,5%; Đặc khu hành chính Hong Kong (TQ) 380,5 triệu USD, chiếm 5,6%; Hàn Quốc 376 triệu USD, chiếm 5,5%; Nhật Bản 194,2 triệu USD, chiếm 2,9%; Quần đảo Cay-man 100 triệu USD, chiếm 1,5%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm có 45 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 53,1 triệu USD; có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 15,8 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 4 tháng đạt 68,9 triệu USD, trong đó lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 29,1 triệu USD, chiếm 42,2% tổng vốn đầu tư; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 15,2 triệu USD, chiếm 22,1%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 12 triệu USD, chiếm 17,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9 triệu USD, chiếm 13,1%.
Trong 4 tháng đầu năm có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Myanmar là nước dẫn đầu với 21,2 triệu USD, chiếm 30,8%; Mĩ 20,5 triệu USD, chiếm 29,8%; Singapore 15,9 triệu USD, chiếm 23,1%; Campuchia 15,5 triệu USD, chiếm 22,5%.
Đánh giá về kết quả trên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cho rằng đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh lên cung - cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Dịch bệnh làm cho lực cầu yếu đi rất nhiều, khiến kinh tế thế giới năm 2020 rơi vào suy thoái, tệ hơn cả khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009.
Ảnh: QH |
Theo ông Lực, dòng vốn FDI 4 tháng đầu năm sụt giảm song kết quả này vẫn khả quan khi cao hơn mức bình quân giai đoạn 2016 - 2018 và chỉ giảm nhẹ so với các nước trong khu vực. Về sự sụt giảm lượng vốn góp, mua cổ phần, do các nhà đầu tư có hiện tượng bán ròng mạnh, Việt Nam vẫn có mức giảm thấp nhất so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Ấn Độ... Dự báo, vốn đăng ký FDI năm nay sẽ giảm từ 10 - 15% so với năm ngoái.
Để nắm bắt cơ hội này, ông Lực cho rằng, Việt Nam cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp đồng bộ; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp cần chủ động thay đổi chuỗi cung ứng để tránh sự lệ thuộc vào một khu vực hoặc một quốc gia, hạn chế rủi ro đứt gãy trong tương lai và đa dạng hóa thị trường.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, dịch bệnh chỉ tác động tạm thời đến thu hút FDI của Việt Nam. Kết quả khảo sát mới đây của JETRO cho thấy, có tới 65,8% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam làm ăn có lãi hoặc không lỗ; 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản có định hướng mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới. Ngoài ra, với chi phí thuê đất, văn phòng, nhân công của Việt Nam ở mức thấp cũng tạo nên sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
►Giải ngân FDI quý I/2020 đạt 3,85 tỷ USD, giảm 6,6% trong bối cảnh dịch Covid-19