SIHUB đưa startup Việt ra nước ngoài
Trong tháng 4/2018, SIHUB (Không gian Hỗ trợ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) sẽ thực hiện chương trình tìm kiếm startup Việt để tuyển chọn doanh nghiệp Việt đưa ra nước ngoài, hợp tác trao đổi với các đối tác quốc tế.
Cơ hội hòa vào thị trường quốc tế
Đây là chương trình nằm trong dự án “Runway To The World”, một chương trình trao đổi startup giữa Việt Nam và quốc tế do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Saigon Innovation (SIHUB) thực hiện với các đối tác quốc tế. Trước đó, ngày 22.3, SIHUB đã tiến hành làm việc và đã ký kết 4 chương trình hợp tác với các quốc gia Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Đức. Chương trình sẽ được tiến hành hàng năm, startup Việt Nam được gởi sang các quốc gia đã ký kết, và startup từ các quốc gia này đến trao đổi tại Việt Nam.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc SIHUB, nói rằng chương trình trao đổi startup là một chương trình thiết thực để startup Việt có cơ hội cọ xát với thị trường quốc tế và trưởng thành lên. Đây cũng là một chương trình mà SIHUB chủ động hợp tác với quốc tế, nhằm kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tiên tiến.
Theo kế hoạch, Startup Việt được Sihub tuyển chọn gửi đi trao đổi với đối tác nước ngoài, đương nhiên phải có tiếng Anh tốt hoặc ít nhất giao tiếp được bằng ngôn ngữ cửa nước mà startup đến. Vượt qua vòng này chỉ là khởi đầu, còn lại, startup Việt phải có sản phẩm, dịch vụ có tiềm năng phát triển vào thị trường mà mình trao đổi startup. Trong đó, phía Việt Nam ưu tiên cho các startup trong các ngành: nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, công nghệ và giáo dục vì đây là lĩnh vực mà startup Việt có ưu thế và là những ngành được thành phố quan tâm phát triển.
Có qua, có lại
Thật ra chương trình trao đổi startup đã được Sihub khởi động ngay trong cuối tháng 3/2018 với tinh thần làm vì doanh nghiệp. Ngày 21/3 đã có 3 startup Hàn Quốc khởi động ngay để thực hiện chương trình trao đổi. Đó là 3 doanh nghiệp: MYGGUM, Eightcup Inc. và Victoria Production. Điều đáng nói các startup Hàn Quốc đã ra mắt thật sự ấn tượng khi đưa ra những sản phẩm độc đáo, có tính ứng dụng công nghệ cao và được kỳ vọng sẽ đem lại những trải nghiệm hấp dẫn cho người tiêu dùng Việt Nam.
Daniel J., CEO của Eightcups, giới thiệu bình uống nước thông minh. |
Anh Daniel J., CEO của Eightcups, giới thiệu bình uống nước thông minh. Anh Sang Kug Jung, Giám đốc của startup MYGGUM, mang giới thiệu các Kiosk thông minh dành cho ngành bán lẻ. Còn chị Victoria Han, Giám đốc điều hành của Victoria Production, thì giới thiệu công nghệ AR ứng dụng trong việc đọc sách trực quan sinh động….
Theo nhận xét của bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Ban Cố vấn Sihub 2020, điều đáng nói cả 3 startup Hàn Quốc này đều có những nghiên cứu sản phẩm, hình thành sản phẩm thực tế rồi mới bắt đầu khởi nghiệp. Đây là sự khác biệt rõ ràng so với các startup Việt Nam.
Lợi thế mạnh nhất của startup nước ngoài là nghiên cứu phát triển trước (R&D) rồi mới tiến hành khởi sự kinh doanh. Họ làm nghiêm túc bài bản, nhắm đúng xu hướng, thị hiếu của khách hàng rồi mới triển khai sản xuất hoặc hợp tác khai thác phát triển sản phẩm. Trong khi startup Việt thường thiếu ở khâu R&D, và thậm chí cũng không nghĩ đến việc đăng ký bản quyền.
Với startup 8cup Inc., việc phát triển sản phẩm bắt đầu từ việc nhà sáng lập startup này, anh Daniel được bác sỹ yêu cầu uống đủ lượng nước trong một ngày đê đảm bảo sức khỏe, nhưng vì tính hay quên, nên anh thường không thực hiện đúng theo yêu cầu này. Anh Daniel J, Giám đốc Điều hành Eightcups, quyết định tạo ra một bình nước thông minh có thể nhắc nhở anh đúng giờ và đúng lượng nước.
Trong khi đó, anh Sang Kug Jung, Giám đốc của startup MYGGUM, nhìn thấy cả một thị trường lớn cho ngành bán lẻ không chỉ Hàn Quốc mà cả nước ngoài. Tầm nhìn của các startup ngoại rõ ràng là không chỉ bó hẹp trong nước mà nhắm đến thị trường toàn cầu.
Còn với startup Victoria Production, đơn vị này ngay từ đầu đã nhanh chóng nhảy ngay vào ứng dụng các công nghệ mới nhất của thực tế ảo (AR) - điều rõ ràng sẽ tạo sự khác biệt và đi đúng xu hướng của thế giới.
Khi thấy mô hình của startup Victoria Production, một số doanh nghiệp kinh doanh sách, cho biết sẽ xúc tiến hợp tác để làm sách theo “công nghệ” mới này. Tức là thay vì làm sách kiểu truyền thống, nay các nhà xuất bản có thể kết hợp với startup này làm những đầu sách kết hợp giữa việc đọc sách và sử dụng ứng dụng AR, giúp việc đọc sách trực quan, dễ hình dung, và có các đoạn phim minh họa ngắn…
Cơ hội trải nghiệm
Theo thông tin từ SIHUB, tháng 4/2017 sẽ có các startup Việt Nam được tuyển chọn để đến tháng 10/2018 sang Hàn Quốc. Để được tuyển chọn, những startup Việt phải có giải pháp, sản phẩm sáng tạo, có tiềm năng phát triển tại thị trường quốc tế, khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt, có tư duy và tầm nhìn quốc tế.
Cơ hội để các startup tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế |
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc của SIHUB, nói rằng trong 2 năm qua khi SIHUB hỗ trợ cho các startup Việt Nam, ông thấy rằng các startup Việt cũng rất sáng tạo và nhiều ý tưởng. Tuy nhiên, cái yếu nhất của startup Việt đó là thiếu sự trải nghiệm quốc tế. Các startup nước ngoài mạnh hơn ta nhờ họ làm nhiều, trải nghiệm nhiều nên sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn và khả năng thành công cao hơn. Cho nên chương trình trao đổi startup sẽ là một cơ hội quý giá để doanh nghiệp Việt có thể thực sự trải nghiệm tốt ở thị trường quốc tế; từ đó startup Việt sẽ mở rộng tầm nhìn, tìm kiếm cơ hội và học hỏi được nhiều hơn bằng thực tế thị trường, thâm nhập thị trường quốc tế, hoặc hiệu chỉnh mô hình và thương mại hóa thành công ở thị trường nước ngoài.
Còn ông Ashran Ghazi, Giám đốc Điều hành của MaGIC (Malaysia), đối tác vừa ký kết với SIHUB trong chương trình Run way to the world, cho biết “nhìn thấy sự hiệp lực mạnh mẽ trong quan hệ đối tác với Sihub nói riêng và Việt Nam nói chung”.
"Chúng tôi khuyến khích các công ty mới thành lập tham gia vào chương trình và khám phá những cơ hội và mở rộng tầm nhìn. Thông qua chương trình, chúng tôi hy vọng sẽ hỗ trợ và giúp các doanh nghiệp đang tìm kiếm để mở rộng thị trường trong ASEAN và thế giới", ông Ashran Ghazi cho biết.
Chương trình Run way to the world (R2TW) R2TW hướng đến bốn ngành: giáo dục và đào tạo; nông nghiệp công nghệ cao và chế biến thực phẩm; năng lượng xanh, môi trường, y tế và du lịch bền vững; trí tuệ nhân tạo, người máy và hệ thống thông minh. |