Nam Minh Thứ Ba | 20/03/2018 08:30

Siêu ủy ban có siêu hiệu quả?

Một siêu ủy ban quản lý phần vốn nhà nước đã được thành lập.

Chính thức thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ủy ban này sẽ thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đồng thời quản lý phần vốn do Nhà nước đầu tư tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Theo dự kiến, sẽ có 30 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế và 21 tổng công ty trực thuộc các bộ sẽ được chuyển giao về cơ quan này quản lý. Trong đó có những tên tuổi hàng đầu Việt Nam hiện nay như Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Bưu chính - Viễn Thông, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt... Theo tính toán sơ bộ, tổng tài sản mà siêu ủy ban này quản lý lên đến 5,4 triệu tỉ đồng (tương đương 240 tỉ USD).

Như vậy, cùng với sự hiện diện của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Việt Nam sẽ sớm xuất hiện một trong những mô hình kinh doanh do Nhà nước quản lý (SWF) lớn nhất Đông Nam Á. Ở khu vực, Singapore cũng có hai công ty thuộc dạng này là GIC và Temasek, hiện đang nắm giữ các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp hàng đầu quốc đảo sư tử cũng như thay mặt chính phủ bành trướng ra nước ngoài.

Sieu uy ban co sieu hieu qua?
 

Cho đến nay, đã có một số chuyên gia tán đồng việc thành lập siêu ủy ban nhưng họ đồng thời kêu gọi sự minh bạch hơn trong cách thức quản trị để hoạt động hiệu quả hơn, tránh lặp lại các vấn đề của SCIC. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển của Trường Đại học Fulbright Việt Nam, yếu tố nhân sự cần được chú trọng, trong đó phải tập hợp được các chuyên gia về đầu tư, quản trị, được trao đủ thẩm quyền nhưng đồng thời cũng có đủ năng lực quản lý thì mới có thể vận hành một siêu ủy ban quản lý lượng vốn khổng lồ như vậy.

“Đồng ý là Ủy ban trực thuộc Chính phủ nhưng yếu tố chính trị là bao nhiêu, yếu tố kỹ trị là bao nhiêu. Tôi cho rằng, yếu tố kỹ trị nhiều hơn chính trị thì mới có sự chuyển đổi thực chất”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành đề xuất.

Có một điều trùng hợp là trên thế giới, xu thế chính phủ các quốc gia đi kinh doanh và đầu tư ngày càng phổ biến. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các quỹ SWF đã đạt quy mô tổng tài sản hơn 7.200 tỉ USD vào năm 2017, tăng gấp đôi với con số ghi nhận trước thời điểm khủng khoảng kinh tế toàn cầu (2007). Cá biệt, quỹ SWF của Na Uy có quy mô lên đến hơn 1.000 tỉ USD và trở thành một trong những con “cá mập” lớn nhất trên thị trường tài chính hiện nay.

Nhưng xu thế đó cũng cho thấy, sau cơn sốc khủng hoảng 2007-2008, nhiều quốc gia đã không còn tin tưởng quá nhiều vào năng lực tự điều tiết của kinh tế thị trường và việc thành lập các SWF bộc lộ khá rõ ý đồ của chính phủ các nước, đó là muốn can thiệp nhiều hơn vào thị trường để từ đó tăng khả năng điều tiết, giữ được sự ổn định cho nền kinh tế trước nguy cơ khủng hoảng ngày càng lớn.

Dù vậy, không ít ý kiến cho rằng các quỹ đầu tư SWF vẫn gặp phải các vấn đề liên quan đến việc lợi dụng quyền lực. Theo WEF, một số quỹ lớn nhất, ngoại trừ trường hợp của Na Uy, là kém minh bạch về các khoản đầu tư, kết quả kinh doanh cũng như các hoạt động quản trị doanh nghiệp. Điều này dẫn đến lo ngại là hoạt động đầu tư của các SWF sẽ thiên về mục đích chính trị hơn là hiệu quả về mặt tài chính.

Quy mô ngày càng phình to của các SWF cũng có thể gây tác dụng ngược, tức theo dạng “quá lớn để sụp đổ” (too big to fail). Một sự cố nếu bất chợt xảy ra tại các SWF hiện nay có thể gây ra những biến động rất lớn trên thị trường tài chính toàn cầu.

Sieu uy ban co sieu hieu qua?
 

Do đó, mô hình một siêu bộ quản lý tài sản đầu tư của Nhà nước mới được thành lập của Việt Nam sẽ còn nhiều việc phải làm, trong đó cần giải quyết được các vấn đề liên quan đến tính kỹ trị của nhà quản lý, hiệu quả hoạt động và tính minh bạch. Nếu không, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước có thể không có nhiều cải thiện mà trái lại, thị trường tài chính Việt Nam sẽ xuất hiện một thực thể mới có quyền lực rất lớn mà những bước đi của nó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định của toàn thị trường.