Các nhà bán lẻ đến từ Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore cũng đang tăng tốc mở rộng tại thị trường Việt Nam, trong đó có thị trường nông thôn. Ảnh: TL

 
Nguyễn Mai Thứ Sáu | 16/05/2025 07:30

Siêu thị về làng

Bán lẻ hiện đại đang từng bước gỡ bỏ rào cản để nhanh chóng chinh phục thị trường bán lẻ nông thôn ước tính có quy mô lên tới 50 tỉ USD.

Năm 2024 là lần đầu tiên chúng tôi vượt mốc 30.000 tỉ đồng doanh thu - con số từng được xem là ngưỡng kháng cự đối với nhiều doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng Giám đốc WinCommerce (WCM), chia sẻ. “Cũng trong năm 2024, WCM lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương. “Khi bắt đầu có lãi, chúng tôi mới thực sự tối ưu được dòng tiền, quản lý hàng tồn hiệu quả và tạo ra dòng tiền lên đến 1.500 tỉ đồng”, bà nói.

Tìm được công thức tăng trưởng 

Đáng chú ý, góp phần vào con số tăng trưởng của WCM là mô hình minimart ở nông thôn hoạt động hiệu quả, với thời gian hoàn vốn dưới 3 năm và ROI trên 40%. Sự tích cực này giúp lãnh đạo WCM quyết định mở rộng mạng lưới bán lẻ của WinCommerce lên 4.500 điểm bán vào cuối năm nay, trong đó 70% cửa hàng mới (khoảng 1.900 cửa hàng) sẽ được mở ở nông thôn, nơi doanh nghiệp thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh.

Theo số liệu của ngành Công Thương năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam ước khoảng 350 tỉ USD, tăng 8,8% so với năm 2023. Trong khi đó, thị trường bán lẻ nông thôn ước tính có quy mô 50 tỉ USD nhưng chưa có nhiều nhà bán lẻ chuyên nghiệp tham gia.

 

Tuyên bố của lãnh đạo WCM cho thấy bóng dáng một cuộc chạy đua vào thị trường bán lẻ tại đây. Có thể thấy, mức sống và thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện nhờ vào quá trình đô thị hóa, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng và đa dạng hơn. Trước đây, người dân nông thôn thường ưu tiên các sản phẩm thiết yếu, giá rẻ. Tuy nhiên, với sự thay đổi trong nhận thức và điều kiện kinh tế, họ ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã, thương hiệu và các dịch vụ đi kèm. Vì thế, các mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử ngày càng được người tiêu dùng tại đây đón nhận.

“Hiện nay, quy mô và tốc độ phát triển ở khu vực nông thôn đang rất lớn”, bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc chuỗi WinMart+ khu vực nông thôn của WCM, cho biết. Mô hình nông thôn phụ thuộc vào 2 yếu tố, gồm giá thấp và chi phí thấp. WCM phát triển các nhãn hàng riêng đặc trưng có giá rẻ hơn từ 10-20% so với các sản phẩm cùng phân khúc. Tuy nhiên, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng WinMart+ nông thôn tăng từ 12,9 triệu đồng/ngày lên 15 triệu đồng/ngày. Tức mỗi tháng trung bình mỗi cửa hàng WinMart+ nông thôn mang về gần 500 triệu đồng doanh thu - con số đáng kể nếu so với các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ.

So với các thành phố lớn, mức độ cạnh tranh trong thị trường bán lẻ nông thôn còn tương đối thấp, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mới tham gia. Thay vì xây dựng các đại siêu thị lớn như ở thành phố, Co.opmart có xu hướng phát triển các siêu thị mini (Co.opmart) và cửa hàng tiện lợi (Co.opFood, Co.opSmile) với diện tích và danh mục hàng hóa tinh gọn hơn, phù hợp với không gian và nhu cầu mua sắm của người dân nông thôn. Co.opmart có thể mở nhiều điểm bán nhỏ lẻ trong một khu vực thay vì chỉ một siêu thị lớn, tăng độ phủ, tính tiện lợi và duy trì thế mạnh là hợp tác với nông dân, hợp tác xã để thu mua và phân phối sản phẩm đặc trưng của vùng.

 

Một đối thủ khác là Bách Hóa Xanh cũng đang cân nhắc mở rộng các cửa hàng tại khu vực nông thôn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận hàng hóa thiết yếu mà không cần di chuyển xa. Đặc biệt, theo ông Phạm Văn Trọng, Tổng Giám đốc Bách Hóa Xanh, chuỗi bán lẻ này đang đặt mục tiêu doanh thu 10 tỉ USD vào năm 2030.

Trong quý I, Bách Hóa Xanh đã khai trương hơn 200 cửa hàng mới, chủ yếu tập trung tại khu vực miền Trung. Công ty dự kiến đặt mục tiêu mở 400 cửa hàng trong năm nay. Chi phí mở shop tại khu vực miền Trung đã giảm hơn 30% so với trước đây. Các cửa hàng mới kỳ vọng đạt điểm hòa vốn ở mức doanh thu 1,2-1,5 tỉ đồng/cửa hàng sau giai đoạn đầu vận hành.

So với các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ truyền thống ở nông thôn, Bách Hóa Xanh có thể tận dụng lợi thế về quy mô để cung cấp hàng hóa với giá cả cạnh tranh hơn, thu hút người tiêu dùng, thậm chí cạnh tranh với chợ truyền thống nhờ sự tiện nghi và minh bạch nguồn gốc sản phẩm.

SSI Research cho rằng Bách Hóa Xanh có thể tìm các trang trại quy mô lớn hơn để tận dụng lợi thế quy mô và đảm bảo chất lượng hoa quả và rau củ ổn định. Điều này sẽ giúp chuỗi có thể đàm phán được các điều khoản tốt hơn với nhà cung cấp và giảm tỉ lệ hư hỏng với thực phẩm tươi sống.

Cuộc đua mở rộng

Các nhà bán lẻ đến từ Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore cũng đang tăng tốc mở rộng tại thị trường Việt Nam, trong đó có thị trường nông thôn. Central Retail của Thái Lan đã cam kết đầu tư thêm 1,45 tỉ USD vào Việt Nam và đang vận hành 135 cửa hàng, 42 trung tâm thương mại thông qua các thương hiệu bán lẻ khác nhau.

Theo số liệu của ngành Công Thương năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam ước khoảng 350 tỉ USD, tăng 8,8% so với năm 2023. Ảnh: TL.
Theo số liệu của ngành Công Thương năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam ước khoảng 350 tỉ USD, tăng 8,8% so với năm 2023. Ảnh: TL.

Cùng với các trung tâm thương mại GO!, Central Retail cũng liên tục mở rộng hệ thống siêu thị mini go! tại An Nhơn (Bình Định), Thanh Bình (Đồng Tháp), Lộc Ninh (Bình Phước), Hương Trà (Huế)... Theo lãnh đạo của Centrai Retail, hàng loạt cửa hàng mini go! sẽ mở rộng độ phủ kể cả những khu vực kém sầm uất và đây là chiến lược chạm tới những tệp khách hàng đa phân khúc, để lại “dấu chân” ở mọi ngách bán lẻ của Central Retail.

Để cạnh tranh, Central Retail Việt Nam định vị 38 siêu thị GO! nằm ở phân khúc giá bán thấp hơn so với đối thủ. Trong khi đó, 10 siêu thị Tops Market được định vị ở phân khúc cao hơn so với các cửa hàng thực phẩm nhỏ của các hệ thống như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, WinMart, Satrafoods... Còn các mini go! sẽ là những phiên bản Tops Market với danh mục phù hợp cho khu vực thành thị cấp 2, 3 và nông thôn.

Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Central Retail Vietnam, cho biết với mô hình ăn uống - mua sắm - vui chơi, siêu thị mang đến đa dạng sản phẩm và dịch vụ đáp ứng mọi nhu cầu, đảm bảo giá luôn thấp mỗi ngày, giúp khách hàng vừa mua sắm, vừa tiết kiệm.

AEON Việt Nam cũng vừa khởi công dự án tại Long An, đánh dấu trung tâm thương mại thứ 8 tại Việt Nam của thương hiệu này và là trung tâm thương mại AEON đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2025. Một nhà bán lẻ lớn khác đến từ Thái Lan là MM Mega Market Việt Nam gần đây khai trương kho cung ứng thứ 5 tại Sa Pa (Lào Cai), đánh dấu chiến lược liên tục mở rộng các trạm trung chuyển hàng hóa, các kho cung ứng thực phẩm từ Nam ra Bắc. Chiến lược này nhằm tăng chất lượng sản phẩm, đa dạng nguồn cung ứng cho khách hàng và mở rộng cả mảng xuất khẩu hàng hóa ra khu vực.

Mặc dù tiềm năng nhưng thị trường nông thôn cũng đặt ra nhiều thách thức. Ở vùng nông thôn, các điểm bán lẻ kênh MT (modern trade) chỉ xuất hiện ở cấp huyện. Vì đầu tư một cửa hàng bán lẻ hiện đại cho khu vực xã (và cấp thấp hơn) với dân cư thưa thớt sẽ kém hiệu quả về chi phí vận hành cũng như tiềm năng lợi nhuận. Thế nên, ở khu vực ít dân cư này, điểm bán lẻ chủ yếu là các loại hình thuộc kênh GT (general trade) như tạp hóa, chợ trời... Hạ tầng giao thông và logistics còn hạn chế, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa và mở rộng mạng lưới phân phối.

Theo bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Kinh doanh cấp cao tại Kantar Worldpanel Việt Nam, tỉ lệ tiệm tạp hóa thậm chí lên đến 72%, khẳng định vị thế không thể thay thế của mạng lưới tiểu thương cửa hàng tạp hóa. Tuy nhiên, thương mại điện tử đang tăng trưởng mạnh và trở thành cú hích lớn cho nhiều ngành hàng, đặc biệt tại nông thôn. Thống kê từ Kantar cho biết, trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ở khu vực nông thôn, dù thu nhập chỉ bằng 60-70% thành phố, vẫn có tới 42% hộ gia đình (tương đương 17 triệu hộ) chọn mua sắm online.

“Khi lên online có nhiều mặt hàng để lựa chọn hơn, có nhiều thông tin, thêm hiểu biết về các loại mặt hàng mới. Ngoài ra, còn tạo ra tâm lý sợ bỏ lỡ, sợ tăng giá, nên họ có thể mua nhiều hơn, đặc biệt ở khu vực nông thôn thời gian gần đây cùng với trào lưu livestream”, bà Nga nói. 

Có thể bạn quan tâm 

Haidilao lên menu lợi nhuận