Sau gần 2 năm kể từ khi thành lập, The CrownX đã huy động thêm được hơn 1,5 tỉ USD từ các nhà đầu tư quốc tế
Siêu lực đẩy từ M&A
Trong đợt huy động vốn mới nhất của The CrownX, một công ty thành viên của Masan, giao dịch góp vốn của nhóm nhà đầu tư đã nâng định giá công ty này lên mức 8,2 tỉ USD. Cụ thể, các nhà đầu tư gồm TPG, Platinum Orchid (thuộc sở hữu của Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi) và SeaTown Master Fund (do công ty con của Temasek Holdings quản lý) đã rót 350 triệu USD vào The CrownX để đổi lấy 4,27% cổ phần. Như vậy, sau gần 2 năm kể từ khi thành lập, The CrownX đã huy động thêm được hơn 1,5 tỉ USD từ các nhà đầu tư quốc tế.
Tăng quy mô vượt bậc
Ông Hamad Shahwan Al Dhaheri, Giám đốc Điều hành bộ phận Đầu tư tư nhân tại ADIA, cho rằng: “Việt Nam là một trong những thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Tại đây, The CrownX chính là nền tảng tiêu dùng thể hiện qua các kết quả vượt trội, sở hữu đầy đủ yếu tố cần thiết để xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng đa kênh tích hợp hàng đầu tại Việt Nam”.
Các doanh nghiệp Trung Đông đã biết đến Việt Nam là một thị trường kinh tế mới nổi, tiềm năng, tăng trưởng nhanh, ổn định. Đặc biệt, với nền kinh tế thị trường gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu chiếm 15% dân số đang tăng nhanh, tạo nên thị trường bán lẻ hấp dẫn, xếp thứ 6 toàn cầu.
Thương vụ tại Masan tiếp tục khẳng định xu hướng M&A vào các tập đoàn tư nhân lớn tại Việt Nam trong 2 năm qua gồm Vingroup, Masan, Hòa Phát, Vinamilk và Novaland. Bất chấp đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vào giữa năm 2021, nhóm này vẫn thu hút các khoản đầu tư chất lượng. Qua đó, họ đã đóng góp 11 thương vụ với tổng giá trị lên đến 1,13 tỉ USD trong 10 tháng năm 2021, chiếm 70% tổng giá trị giao dịch trong nước.
Theo KPMG Việt Nam, quy mô hoạt động của 5 doanh nghiệp này cũng đã tăng lên đáng kể theo thời gian, không chỉ dựa vào năng lực quản trị và khả năng thực thi của đội ngũ lãnh đạo mà còn nhờ cách tiếp cận mạnh mẽ với chiến lược M&A. Chính vì vậy, nhóm này đã đạt được bước phát triển vượt bậc, cả về vốn hóa thị trường lẫn doanh thu, đặc biệt là Masan, Hòa Phát và Novaland. Cụ thể, doanh thu của Hòa Phát đã tăng gấp đôi, từ 2,7 tỉ USD vào năm 2019 đã lên đến 5,7 tỉ USD; vốn hóa thị trường đã tăng gần gấp 4 lần, từ 2,8 tỉ USD năm 2019 lên 10,9 tỉ USD đến thời điểm tháng 10/2021. Tương tự, vốn hóa thị trường và doanh thu của Masan đều đạt mức cao nhất lịch sử, lần lượt là 7,7 tỉ USD và 3,8 tỉ USD.
Doanh thu của Hòa Phát đã tăng gấp đôi, từ 2,7 tỉ USD vào năm 2019 đã lên đến 5,7 tỉ USD |
Với cơ hội mới trong tương lai từ một nền kinh tế tăng trưởng cao như Việt Nam, nhà đầu tư trong và ngoài nước cho rằng đây chính là thời điểm thích hợp để M&A. Qua đó, doanh nghiệp tăng nội lực để mở rộng thị phần, thâm nhập vào các thị trường và ngành mới, đồng thời hình thành các mối quan hệ quốc tế.
Dù năm 2020-2021 Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng các giao dịch M&A vẫn bùng nổ và sôi động. Theo KPMG Việt Nam, giá trị thương vụ M&A trong nước đã tăng 2,2 tỉ USD vào năm 2020, tăng trưởng 201% so với năm 2019. Năm 2021, giá trị giao dịch vẫn được duy trì ở mức ổn định với 1,6 tỉ USD trong 10 tháng năm 2021.
Đích ngắm thị trường quốc tế
Cùng với sự hồi phục của kinh tế sau dịch bệnh, dự báo, hoạt động M&A trong năm 2022 sẽ tăng mạnh. KPMG tin tưởng kể từ đầu năm 2022, khi đại dịch được kiểm soát, khi Việt Nam tiêm vaccine đầy đủ, hoạt động M&A sẽ sôi động trở lại và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 100% so với năm 2021.
Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam, sau khi trải qua giai đoạn tích lũy vốn, thu hút vốn ngoại và củng cố, tái cấu trúc, các doanh nghiệp Việt Nam đã đủ sức thực hiện các thương vụ M&A, đưa ra chiến lược rõ ràng, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, xây dựng chuỗi giá trị và hệ sinh thái doanh nghiệp.
Gia tăng M&A là cách để mở rộng quy mô, giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm lợi thế kinh doanh, trở thành các kênh kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trực tiếp tham gia vào thị trường quốc tế. Vì vậy, Việt Nam khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu...
“Khuyến khích các tập đoàn đầu tư ra nước ngoài là cách để xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam tốt nhất, từ đó góp phần tạo chuỗi cung ứng trong và ngoài nước liền mạch và doanh nghiệp Việt Nam sẽ bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài với tâm thế bình đẳng”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhận định.
Ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã hoàn tất huy động vốn tại The CrownX và sẽ tập trung tăng tốc mở rộng nền tảng “Point of Life” tích hợp offline và online trên toàn quốc. Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ IPO The CrownX trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023-2024”.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, cũng nhận định: “Chúng tôi tin rằng các công ty trong nước sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động M&A trong tương lai, tạo ra nhiều tập đoàn với quy mô có thể sánh ngang với các tập đoàn lớn trong khu vực”.
Với quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với 5 năm trước, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN và thứ 37 toàn cầu. Quy mô này đặt ra yêu cầu Việt Nam phải có nhiều doanh nghiệp lớn. Với tầm nhìn 2030, Việt Nam đặt mục tiêu có 1,3-1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có 15-20 doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa đạt trên 1 tỉ USD.
“Với tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Việt Nam đã ở vị thế sẵn sàng để trở thành động lực phát triển quan trọng trong bức tranh tiêu dùng tại châu Á”, ông David Tan, Giám đốc điều hành của TPG Capital Asia, chia sẻ.