Thứ Tư | 17/10/2012 15:06

Siết tạm nhập tái xuất để hạn chế doanh nghiệp yếu kém

Theo đó, sẽ góp phần loại trừ những doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, cơ sở vật chất, đảm bảo cho việc kinh doanh được an toàn.
Gần đây, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến trước khi ban hành dự thảo Thông tư về kinh doanh tạm nhập tái xuất.

Theo dự thảo, thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất các loại đồ uống, rượu, thuốc lá, giấm và hàng hóa khác (bao gồm các loại thịt động vật đông lạnh) phải có hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hoặc tạm nhập tái xuất tối thiểu 2 năm kể từ ngày thành lập và phải ký quỹ 5 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố nơi thương nhân được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh.
TBKTSG ngày 15/10 có dẫn ý kiến các doanh nghiệp cho rằng, nếu phải ký quỹ 5 tỷ đồng mới được thực hiện tạm nhập tái xuất thì quá khó trong thời điểm cần tiền mặt như hiện nay. Thậm chí, có doanh nghiệp nói rằng sẽ ngừng loại hình tạm nhập tái xuất.

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải - Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, việc yêu cầu doanh nghiệp tham gia tạm nhập tái xuất phải có thâm niên 2 năm, phải ký quỹ tại kho bạc nhà nước 5 tỷ đồng, điều kiện kho bãi theo quy định, không phải làm khó, hạn chế doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, mà sẽ góp phần loại trừ những doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, cơ sở vật chất, đảm bảo cho việc kinh doanh được an toàn.

Thời gian quy định tạm nhập tái xuất cũng rút xuống 45 ngày, so với trước (180 ngày), sẽ hạn chế việc nhiều doanh nghiệp núp bóng tạm nhập tái xuất để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa…

Đồng thời, nếu doanh nghiệp không tái xuất hàng hóa đúng thời hạn sẽ bị xử lý theo quy định, nhằm hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cảng biển, kho bãi của khẩu, bởi nhiều lý do kéo dài thời gian tái xuất của chủ hàng.

Ý kiến từ phía cơ quan chuyên môn thuộc Tổng cục Hải quan cho rằng, quy định về cấp giấy phép tạm nhập tái xuất hàng hóa cần rõ hơn, yêu cầu thương nhân phải xuất trình hai hợp đồng riêng biệt, gồm hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu.

Theo thông lệ quốc tế, doanh nghiệp hoạt động tạm nhập tái xuất phải xuất trình với cơ quan quản lý và thực hiện cùng lúc 2 hợp đồng là hợp đồng tạm nhập và hợp đồng tái xuất. Nhưng quy định hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần có một hợp đồng tạm nhập mà không cần phải có hợp đồng tái xuất, vẫn được phép thực hiện hoạt động tạm nhập tái xuất.

Sở hở trên khiến cho doanh nghiệp lâu nay, lợi dụng để vận chuyển hàng cho chủ hàng nước ngoài để hưởng hoa hồng và các khoản phí. Thực chất doanh nghiệp không tham gia hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa.

Dự thảo thông tư còn thể hiện sự “siết chặt” ở chỗ, quy định điều kiện tài chính (ký quỹ) và kho bãi của doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cho phép tạm nhập tái xuất xuống còn 45 ngày, cơ bản hạn chế được những doanh nghiệp tham gia tạm nhập tái xuất “ảo” để thu lợi, gây rối loạn thị trường, tạo ra áp lực cho công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.

Nguồn Bộ Tài chính


Sự kiện