Siết sở hữu chéo: Ngân hàng “chạy” bán vốn
Cổ phiếu đổi chủ
Cuối tháng 1/2015, thị trường chứng khoán đột nhiên chứng kiến giao dịch “khủng” của cổ phiếu Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (mã CK: EIB). Đơn cử vào ngày thứ sáu 23/1 có 60 triệu cổ phiếu EIB đã tiến hành giao dịch thỏa thuận; Tiếp ngay đó ngay thứ hai đầu tuần (26/1) tiếp tục có phiên giao dịch số lượng lớn EIB với gần 33 triệu đơn vị thỏa thuận được bán với mức giá 13.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ trong 2 phiên liên tiếp, EIB có giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng là 93 triệu đơn vị tương ứng hơn 1.200 tỷ đồng.
Ai đã “mua” khối lượng cổ phiếu lớn ngần này? Mọi thông tin được giữ kín như bưng. Trước “hiện tượng” giao dịch đột biến của EIB, một “người nhà” Eximbank chỉ ngắn gọn với Tiền Phong: “Cứ xem như một hình thức thay đổi chủ sở hữu cổ phiếu đi”. Được biết, trong cơ cấu cổ đông của EIB thì Sumitomo Mitsui Banking Corporation hiện đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 15,07% cổ phần của EIB, tương đương 185 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nắm giữ 8,24% cổ phần, tương ứng hơn 101 triệu cổ phiếu.
Tại một diễn đàn chứng khoán, nhiều thành viên rôm rả bàn tán sự kiện này theo 2 hướng: thứ nhất tổ chức hoặc cá nhân thoái vốn; thứ hai tổ chức hoặc cá nhân mua vào và sẽ có quyền lực lớn trong ngân hàng hoặc có một thương vụ sáp nhập.
Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán nhận xét: Việc chuyển nhượng cổ phiếu của EIB thật khéo khi phiên cao nhất 60 triệu cổ phiếu chiếm vừa suýt 4,85% cổ phần của EIB (theo quy định 5% mới phải công bố thông tin người mua) “Nhiều cổ phiếu Eximbank đã có “chủ” mới. Không loại trừ “người” chuyển nhượng cổ phiếu EIB có thể là một TCTD nào đó coi như chạy trước Thông tư 36”- Vị này nói.
Buộc phải thoái vốn
Điểm danh những ngân hàng đang có sở hữu chéo trong nhóm “Big 4” (4 NHTMNN lớn) gồm: BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank đều đang sở hữu các ngân hàng khác. Trong 8 NHTM cổ phần có quan hệ cổ phần với 4 NHTM nhà nước, tiêu biểu là Vietcombank, hiện đang sở hữu 11% tại MB; 8,2% tại Eximbank, 4,7% tại OCB, 5,3% tại SaiGonBank. Từ những thông tin công bố của các ngân hàng, hiện có ít nhất 06 NHTM cổ phần có cổ đông là một NHTM cổ phần khác. Ví như Eximbank hiện sở hữu 10,6% cổ phần tại Sacombank, 8,5% cổ phần tại Ngân hàng Việt Á.
Về việc phải thoái vốn sở hữu chéo “vượt” quy định, mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Vietcombank, Tổng giám đốc Vietcombank - ông Phạm Quang Dũng kiến nghị với Thống đốc Nguyễn Văn Bình đang có mặt tại đó rằng: “Việc thoái vốn cần có thời gian, giảm tác động đến giá bán cổ phiếu, Vietcombank xin Ngân hàng Nhà nước cho gia hạn thời gian chuyển nhượng để tìm đối tác”.
Về kiến nghị của NHTM liên quan đến lùi thời gian thoái vốn, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra NHNN, đơn vị chủ trì Thông tư 36 cho rằng quy định đã đề ra thì ngân hàng nên cố gắng thực hiện, không nên đặt vấn đề xin lùi. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lại nhìn nhận thời hạn 1 năm để ngân hàng thoái vốn sở hữu chéo chưa phải dài và đủ nên cân nhắc lợi ích của ngân hàng nếu không tìm được khách có nhu cầu sẽ thiệt về giá bán.
Liên quan đến câu chuyện Thông tư 36, mới đây Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Ai cũng muốn lập lại kỷ cương rất nhanh. Thế nhưng, hệ thống ngân hàng nó khác. Phải làm sao có liều thuốc phù hợp nhất, để con bệnh khỏe lên để hướng tới mục tiêu lành mạnh hoàn toàn”. Theo ông Bình, nếu áp Thông tư 02 (về xử lý nợ xấu) và Thông tư 36 vào hệ thống từ vài năm trước đây thì hệ thống này sẽ sập ngay. Còn bây giờ khi thực hiện, hệ thống sẽ tốt dần lên. “Trong quá trình làm, anh nào yếu hơn thì mình hỗ trợ; anh nào khỏe hơn thì là cơ hội để bứt phá lên”- Thống đốc trấn an.
Tại Báo cáo triển vọng ngành công bố mới đây, Công ty chứng khoán BIDV nêu rõ: Áp lực thoái vốn theo quy định sở hữu tại Thông tư 36 sẽ khiến nhiều cổ phiếu ngân hàng bị bán ra. Cụ thể, khoảng 10% - 19.5% cổ phiếu MBB (Ngân hàng MB) và 3.2%-8.2% EIB (Eximbank) bị bán ra. Thời hạn chuyển tiếp cho quy định này là 1 năm kể từ 1/2/2015. Theo Thông tư 36, các quy định hạn chế vấn đề sở hữu chéo sẽ tạo áp lực thoái vốn lên nhiều cổ phiếu ngân hàng từ các đối tượng có liên quan. |
Nguồn TPO