Thứ Năm | 25/10/2012 09:37

Siết nghĩa vụ thuế nhưng tránh gây thêm sức ép với doanh nghiệp

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu có thể tăng lên 16% vào cuối năm nay.
Mặc dù nguồn thu ngân sách khó khăn, song việc thu hồi nợ đọng thuế phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, để không gây thêm sức ép đến các doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh đang rất khó khăn. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ quan điểm như vậy khi trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị bên hành lang Quốc hội ngày 23.10.

Cơ sở nào để Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,5% trong năm 2013, thưa phó Thủ tướng?

Nếu chỉ nhìn vào chỉ số đầu tư, tín dụng, chúng ta ít lạc quan về tăng trưởng kinh tế. Song, nông nghiệp, xuất khẩu vẫn tăng trưởng, phát triển tốt. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta nhiều năm nay phát triển tương đối ổn định; lĩnh vực xuất khẩu – dù sức tiêu thụ hàng hoá chung của thế giới rất thấp, nhưng vì mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của chúng ta là hàng thiết yếu (thuộc lĩnh vực nông nghiệp) nên chúng ta vẫn có thị trường và đây chính là lợi thế.

Năm nay chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu chỉ khoảng 10% nhưng cuối năm có khả năng tăng trên 16%.

Nhìn một cách tổng thể, nền kinh tế bắt đầu xuất hiện một số tín hiệu khá hơn dù chưa thể nói là phục hồi. Tăng trưởng từng quý lần lượt nhích lên, quý III cao hơn quý II xấp xỉ 1%. Nếu quý này cũng tiếp tục tăng hơn quý trước 1% thì tính bình quân, mức tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ được hơn 5%. Và đây là cơ sở để đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% cho năm 2013.

Bên cạnh những điểm sáng nói trên là những điểm tối đáng lo ngại như tồn kho, nợ xấu, thưa phó Thủ tướng?

Tồn kho có nhiều dạng, nhiều mức độ. Tuy nhiên, báo cáo của bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, chỉ số tồn kho đã giảm dần theo từng quý, dù mỗi quý chỉ giảm một ít, nhưng như thế cũng là biểu hiện tốt lên.

Chính phủ cũng chỉ đạo ngành ngân hàng tập trung giải quyết nợ xấu, cải thiện thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, từ đó mới khơi thông được dòng vốn cho nền kinh tế. Nhưng mặt khác, tín dụng cho xuất khẩu, nông nghiệp vẫn tăng khá, góp phần thúc đẩy hai lĩnh vực này, đồng thời phần nào gỡ đầu ra cho dòng vốn tín dụng. Hiện nay, khó khăn nhất là tín dụng cho bất động sản, nếu mình gỡ được cái đó mới giải quyết được vấn đề tồn kho.

Làm thế nào để gỡ tín dụng cho bất động sản, thưa ông?

Để có một giải pháp chung là rất khó mà chúng ta phải phân tích rất cụ thể từng khoản nợ xấu, có những khoản đang từ tốt trở thành xấu, hoặc ngược lại, trên cơ sở đó mới có cách xử lý với từng trường hợp. Ví dụ, có những dự án bất động sản là cơ sở hạ tầng, ngân hàng phải cùng chủ đầu tư tìm cách tháo gỡ, giúp công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng, quay vòng được vốn để trả được nợ, thậm chí được vay lại vốn để tiếp tục làm ăn.

Nếu gỡ được tín dụng cho bất động sản, thị trường này bao giờ có thể phục hồi?

Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp, thị trường bất động sản nói riêng và môi trường sản xuất, kinh doanh nói chung còn phụ thuộc nhiều yếu tố như kinh tế thế giới, chứ không chỉ môi trường trong nước.

Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách giảm mạnh, ngành thuế đã và đang thực hiện nhiều biện pháp siết chặt nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp chậm nộp, nợ đọng thuế như phong toả tài khoản ngân hàng của họ... Các biện pháp mạnh tay như vậy có khiến các doanh nghiệp vốn đang rất khó khăn lại càng thêm chật vật?

Để đánh giá chung là rất khó, chúng ta phải phân nhóm ra. Trên thực tế, trong các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã và đang thực hiện, có biện pháp giảm, giãn thuế, qua đó, có những doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời đã vượt lên được.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ của Chính phủ chỉ là một phần, bản thân từng doanh nghiệp cũng phải cơ cấu lại, trong đó có những trường hợp làm ăn không cơ bản, không bền vững cũng có thể rơi vào tình trạng phải phá sản, giải thể. Nhưng việc chấp hành chính sách thì phải theo pháp luật, đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau; đồng thời, không để nợ đọng tràn lan được, còn tuỳ vào mỗi trường hợp, để có giải pháp cụ thể.

Bản báo cáo mới đây của uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã chỉ ra rằng tỷ trọng các khoản thu từ thuế và phí của Việt Nam đang ngày càng tăng và rất cao so với các nước trong khu vực, với tỷ lệ thuế, phí/GDP mà mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh cao gấp 1,4 – 3 lần so với các nước khác trong khu vực. Quan điểm của Chính phủ về vấn đề này?

Để tránh khập khiễng, chúng ta cần so sánh trên cùng một mặt bằng. Ví dụ, tại Việt Nam, tỷ lệ thu ngân sách/GDP trong đó bao gồm cả khoản thu từ đất đai, tài nguyên khoáng sản, trong đó lớn nhất là dầu thô. Còn nếu so cùng một loại thuế, một sắc thuế như thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân… thì so với cùng một mặt bằng các nước trong khu vực, các mức thuế của chúng ta không cao (trừ Singapore).

Nguồn Sài gòn tiếp thị


Sự kiện