Siết chặt quản lý kinh doanh đa cấp
"Quy tắc ứng xử kinh doanh"
Có mặt tại Việt Nam hơn 10 năm trước, cũng như các ngành kinh tế khác, nhà nước nhìn nhận bán hàng đa cấp như một ngành kinh doanh tiềm năng với tốc độ phát triển nhanh cả về quy mô công ty lẫn số lượng người tham gia.
Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, tính đến hết năm 2013 có 102 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, thu hút hơn 1 triệu người tham gia, đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỉ đồng.
Vì thế, từ những ngày đầu, nhà nước đã ban hành Nghị định 110 riêng cho công tác quản lý ngành này, bên cạnh đó, bản thân ngành bán hàng đa cấp cũng có những quy tắc ứng xử kinh doanh riêng, cá biệt có những công ty còn phát triển những quy tắc đó cho riêng mình đơn cử như Amway với "10 điều nghiêm cấm" trong kinh doanh đa cấp và những chế tài cho trường hợp nhà phân phối vi phạm như cắt thưởng hoặc nặng hơn là cắt hợp đồng.
Tuy nhiên, không thể chối bỏ tình trạng thực tế có những công ty kim tự tháp núp bóng bán hàng đa cấp cố tình "xé rào", làm trái quy định, gây tổn thương uy tín của toàn ngành, trong khi các công ty khác đang nỗ lực từng ngày để thay đổi nhận định của người tiêu dùng, giúp họ có cái nhìn khách quan hơn về ngành.
Nhiều công ty bán hàng đa cấp đang cùng nhau xây dựng ngành bán hàng đa cấp trong sạch với sự hỗ trợ của nhà nước và giới truyền thông nhưng chính mô hình kim tự tháp đang là rào cản khiến việc này gặp không ít khó khăn. Do đó, ngành bán hàng đa cấp cần một hành lang pháp lý chặt chẽ phù hợp với xu hướng phát triển nhanh của ngành và giúp sàng lọc những công ty như thế để phát triển bền vững.
Nhận diện và công phá mô hình kim tự tháp lừa đảo
Cũng như tại Mỹ, những ngày đầu, bán hàng đa cấp tại Việt Nam cũng bị phản đối do xuất hiện của mô hình kim tự tháp, từ đó dẫn đến định kiến không tốt của xã hội.
Theo giới kinh doanh, mô hình kim tự tháp đồng nghĩa sự lừa gạt, trái ngược kinh doanh đa cấp chân chính. Vậy nó là cái gì, phân biệt ra sao?
Theo tư vấn, nếu xác định các dấu hiệu sau đây có thể khẳng định mô hình kim tự tháp:
Chi phí tham gia cao vô lý;
Người tham gia được tưởng thưởng chủ yếu dựa vào việc lôi kéo thêm người mới vào mạng lưới;
Việc tưởng thưởng không dựa chủ yếu trên doanh số bán hàng và dịch vụ;
Hàng hóa và dịch vụ hiện tại không hợp pháp và không được phép lưu hành trên thị trường̣;
Người tham gia bị yêu cầu phải mua thêm nhiều sản phẩm hơn nhu cầu bán hay sử dụng của họ một cách vô lý;
Mô hình không cho phép trả lại hàng tồn kho;
Không có hợp đồng dưới dạng văn bản viết cung cấp rõ ràng các điều khoản quan trọng và khoảng thời gian hủy bỏ.
Cần có "khối thuốc nổ" lớn để công phá mô hình kim tự tháp.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào cuối năm 2013, ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, cho biết: "Từ năm 2005, Chính phủ đã có Nghị định 110/NĐ-CP-2005 về quản lý hoạt động BHĐC, trong đó quy định nhiều chế tài với các doanh nghiệp.
Nhưng theo chúng tôi, trên thực tế, nghị định này chưa chặt chẽ để quản lý tốt nhất. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ sửa đổi lại nghị định này, để có thể ban hành một hệ thống văn bản mới quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn". Vừa qua, đầu tháng 7, Nghị định 42 về quản lý BHĐC đã chính thức có hiệu lực với nhiều mong đợi sẽ giúp ngành BHĐC phát triển đúng quỹ đạo và sàng lọc ra được những công ty kim tự tháp núp bóng BHĐC.
Nguồn Thanh niên