Minh Anh Thứ Sáu | 07/12/2018 15:56

Shell có cơ hội quay lại Việt Nam?

Petrovietnam tại PV Oil Việt Nam đang thoái vốn và cơ hội để Shell tranh thủ tham gia thị trường Việt Nam với việc mua lại cổ phần vốn của hãng này.

Sẵn sàng tham chiến

Vừa qua, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam (PVN) Lê Mạnh Hùng đã tiếp ông Douglas Buckley, Phó Chủ tịch Tập đoàn Shell phụ trách Danh mục Đầu tư Hạ nguồn. Người đại diện của Shell bày tỏ ý định hợp tác trong khâu hạ nguồn ở Việt Nam, đặc biệt là cung cấp LNG cho các dự án của PVN/PV Gas trong thời gian tới.

Ông Lê Mạnh Hùng cho biết PVN có dự án hai kho cảng LNG. Đối với dự án kho cảng LNG Thị Vải, PVN/PV Gas đang tìm nhà cung cấp LNG ngắn hạn và dài hạn thông qua hình thức đấu thầu. PVN đề nghị Shell tiếp tục làm việc với PV Gas về nội dung hợp tác này của hai bên. Đối với dự án kho cảng nhập khẩu LNG Sơn Mỹ, hiện PVN đang chờ Bộ Công Thương phê duyệt FS cho dự án.

Lãnh đạo PVN, chia sẻ tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là thị trường tiềm năng với dân số hơn 90 triệu người và có vị trí thuận lợi trong việc vận chuyển. PVN sẵn sàng thúc đẩy các hoạt động hợp tác với Shell trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Shell cũng muốn tìm hiểu cơ hội tham gia thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam trong tiến trình thoái vốn của PVN tại PV Oil, đồng thời cập nhật tiến trình, quy trình, cách thức và các yêu cầu mà nhà đầu tư chiến lược phải cam kết.

Phó Tổng giám đốc Petrovietnam, cho hay các điều khoản và điều kiện mà nhà đầu tư phải cam kết khi tham gia vào PV Oil đang được xây dựng và Shell có thể liên lạc trực tiếp với PV Oil để cập nhật thông tin.

Shell co co hoi quay lai Viet Nam?
 

Trong quá trình chào bán gần 45% vốn PV Oil cho cổ đông chiến lược vào giữa năm 2018, Shell cũng là 1 trong những tổ chức đã nộp hồ sơ tham gia.

Shell là Tập đoàn Dầu khí Hoàng gia Hà Lan bao gồm các công ty năng lượng và hóa dầu với khoảng 93.000 nhân viên và hoạt động tại hơn 70 quốc gia, lãnh thổ. Shell đã có lịch sử hoạt động lâu dài tại Việt Năm từ năm 1894 với hệ thống bán lẻ xăng dầu ban đầu, theo sau là các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn khác.

Hoạt động hiện tại của Shell tại Việt Nam bao gồm pha chế, phân phối dầu nhờn và cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật dầu khí.

Động thái quay trở lại

Trước đó, năm 2012, Tập đoàn Shell (Hà Lan) xác nhận đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình trong một công ty liên doanh kinh doanh gas ở Hải Phòng và công ty gas 100% vốn của Shell tại TP.HCM cho Công ty Siam Gas (Thái Lan).

Đây là thương hiệu dầu khí toàn cầu thứ ba rời thị trường gas Việt Nam, trước đó là Mobil Unique Gas (Mỹ) và BP Gas (Anh), dù thị trường gas trong nước được đánh giá có nhiều tiềm năng với mức tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm.

 Shell Gas Vietnam giải thích nguyên nhân: “Việc chuyển nhượng này phù hợp với chiến lược kinh doanh của Shell, tái tập trung thị trường trọng điểm của ngành hạ nguồn vào ít thị trường hơn nhưng quy mô lớn hơn”. Đề cập chiến lược ở thị trường Việt Nam, Shell cho biết đang đặt mục tiêu trọng tâm vào dầu nhờn và hé lộ ý muốn đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu.

Shell co co hoi quay lai Viet Nam?
Một công nhân của Shell. Ảnh: The Telegraph.

Hơn một thập niên ở thị trường Việt Nam, hoạt động kinh doanh gas không đem lại hiệu quả cho Shell. Dù Shell Gas là một thương hiệu uy tín ở thị trường gas Việt nhưng có vẻ như chi phí công ty này bỏ ra quá lớn so với lợi nhuận thu về. Shell Gas từng được xem là một thương hiệu mẫu mực trong việc phát triển hệ thống phân phối với các cửa hàng bán lẻ chỉ bán duy nhất một loại bình Shell Gas.

Nguyên nhân các thương hiệu quốc tế rời bỏ cuộc chơi trên thị trường gas do tình trạng sang chiết gas lậu không kiểm soát được ở Việt Nam. Những thương hiệu nước ngoài như Elf, Total, BP, Shell... cùng một số công ty Việt đã chi khá nhiều tiền cho việc bảo vệ thương hiệu nhưng hiệu quả mang lại không nhiều.Hệ thống này đã teo tóp dần, rồi Shell Gas chấp nhận cho các cửa hàng bán bình Shell Gas lẫn với các thương hiệu khác. Đó cũng là cách tập đoàn dầu khí lớn nhất nhì thế giới này nhượng bộ, thay đổi nguyên tắc của mình để thích nghi với thị trường Việt. Nhưng xem ra sự thay đổi này không giúp hoạt động kinh doanh khá lên. Trước đó, Shell chuyển toàn bộ bộ phận văn phòng kinh doanh ở Hà Nội sáp nhập vào công ty ở TP.HCM, một cách để tiết giảm chi phí quản lý, và sau chấp nhận nhường cuộc chơi lại cho công ty khác.