Thứ Hai | 27/08/2012 07:29

SHB phủ nhận việc thâu tóm Bianfishco

Lãnh đạo SHB phủ nhận việc thâu tóm Bianfishco, thay vào đó là phải tham gia tái cấu trúc với nhiều nguyên do, trong đó có yêu cầu tự cứu chính mình.
Sau cuộc họp báo ngày 25/8, ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chính thức công bố trở thành cổ đông lớn của công ty cổ phần thủy sản Bình An (Bianfishco), bắt đầu thực hiện tái cấu trúc công ty này bằng kế hoạch bơm tiền hỗ trợ trả nợ nông dân ngay từ đầu tuần này, tham gia điều hành để nối lại hoạt động sản xuất - xuất khẩu.

Với tỷ lệ sở hữu 50%, cũng như có vai trò quyết định đến hoạt động của Bianfishco từ thời điểm này, một góc nhìn đặt ra là SHB đã cơ bản hoàn tất một vụ thâu tóm? Câu hỏi đặt trong tính chất của sự kiện, cũng như vụ sáp nhập ngân hàng TMCP nhà Hà Nội (Habubank) vừa diễn ra.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, khẳng định đây không phải là một vụ thâu tóm, mà xuất phát từ yêu cầu của sự việc và cả tính tình thế của nó.

“Trước hết, SHB tham gia tái cấu trúc Bianfishco và trở thành cổ đông lớn trên cơ sở kế thừa trách nhiệm và quyền lợi của Habubank sau sáp nhập. Có nhiều mục đích, yêu cầu để chúng tôi tham gia vụ việc này, đặc biệt là quá trình tái cấu trúc toàn diện. Sau đó, theo lộ trình dự kiến, tỷ lệ sở hữu của SHB cũng sẽ giảm từ 50% xuống còn 30%”, ông Lê cho biết.

Thứ nhất, song song với việc sáp nhập Habubank, SHB buộc phải trực tiếp xử lý các vấn đề liên quan, đặc biệt là nợ xấu và các khoản đầu tư được chuyển giao. Cụ thể ở đây là sự chuyển giao những tồn tại của Habubank tại Bianfishco. Tái cấu trúc Bianfishco thành công theo đó cũng chính là để SHB tự cứu mình trong các tồn tại này.

Thứ hai, theo ông Lê, mục đích của SHB là cùng với các bên, các cơ quan chức năng tham gia tái cơ cấu các doanh nghiệp có tiềm năng nhưng hiện đang gặp khó khăn.

Tổng giám đốc SHB cũng thừa nhận, Bianfishco là một thương hiệu mạnh, có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong xuất khẩu. Mặt khác, đây là doanh nghiệp gắn với đặc thù riêng có của Việt Nam là nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra, gắn với một lực lượng lao động lên tới 5.000 người. Nếu vực dậy thành công sẽ có nhiều giá trị lan tỏa không chỉ cho riêng Bianfishco.

Nếu vậy, SHB có tính đến triển vọng lợi nhuận liên quan trong tương lai, sau khi tái cấu trúc thành công? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Lê cho rằng, còn quá nhiều việc phải làm để đưa công ty trở lại hoạt động ổn định, nhiều khó khăn vẫn chưa thể xử lý ngay, và yêu cầu cao nhất hiện nay là tránh được một thực tế phá sản.

Khi trở lại hoạt động ổn định và hiệu quả, Bianfishco sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ, dự kiến từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng; trong đó có sự chuyển đổi nợ thành vốn góp của các chủ nợ lớn và tỷ lệ sở hữu của SHB dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 30%.

“Một thực tế ở đây nữa là SHB sẽ không tham gia nhiều, không mở rộng các hoạt động ngoài ngành, ngoài lĩnh vực chính của mình là tài chính - ngân hàng”, ông Lê nói.

Có một tình huống khác là, vì sao không để Bianfishco phá sản khi mà việc khôi phục có nhiều trở ngại, nhiều vấn đề phức tạp kéo dài trong thời gian qua?

Tổng giám đốc SHB giải thích, phá sản là con đường tưởng như dễ nhất, gần nhất trong câu chuyện này. Song, nếu vậy tất cả các chủ nợ đều bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nông dân. Tài sản đánh giá lại của Bianfishco không đủ để trả nợ; và nếu phá sản thì còn nhiều vấn đề pháp lý phức tạp và kéo dài sau đó.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện