Minh Đức Thứ Năm | 13/09/2018 15:47

Shark Thủy rót 500.000 USD đầu tư vào công nghệ giáo dục

Sau 3 thương vụ thành công từ tập trước, Shark Tank Việt Nam tiếp tục trở lại với những màn mời chào đầu tư đầy “béo bở”.

Sau 3 thương vụ thành công từ tập trước, Shark Tank Việt Nam tiếp tục trở lại với những màn mời chào đầu tư đầy “béo bở” từ các “con mồi” công nghệ. Và một lần nữa, Shark Thủy cho thấy triết lý đầu tư vào thế hệ tương lai khi “rót vốn” cho startup công nghệ giáo dục Magic Book.         

Giới thiệu đến nhà đầu tư Shark Tank sản phẩm hệ thống đồ chơi thông minh Magic Book, Giám đốc điều hành của Magic Book - Bùi Quang Huy bày tỏ mong muốn kêu gọi đầu tư 500 nghìn USD cho 20% cổ phần công ty.

Mở đầu phần thuyết trình, Quang Huy cho biết những đứa trẻ sử dụng công nghệ thường xuyên hay có xu hướng lãng quên các trò chơi truyền thống. Trước vấn đề đó, hệ thống sản phẩm đồ chơi thông minh Magic Book đã được sản xuất thành công và đưa ra thị trường vào năm 2017. Magic Book là nền tảng kết hợp giữa thiết bị công nghệ và đồ chơi vật lý, để tạo ra các sản phẩm giúp các trẻ em có độ tuổi từ 3 – 15 học tập, vui chơi an toàn. Nhà đồng sáng lập Magic Book khẳng định đây là sản phẩm đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam và khu vực châu Á đi theo xu hướng kết hợp công nghệ với đồ chơi vật lý.

Shark Thuy rot 500.000 USD dau tu vao cong nghe giao duc
Startup Bùi Quang Huy, đồng sáng lập Magic Book thuyết trình trước nhà đầu tư

Theo Quang Huy, sau 6 tháng thử nghiệm thị trường, Magic Book đã bán được 1500 sản phẩm tương đương doanh số khoảng hơn 300 triệu trong 3 tháng đầu tiên, tăng 4000 sản phẩm trong 3 tháng gần đây. Hiện DN đã cho ra mắt 5 sản phẩm trên thị trường, bộ phụ kiện có giá bán 150 nghìn đồng, sản phẩm là 200 nghìn đồng/bộ. Magic Book đang được bán hàng trực tiếp qua website, các kênh truyền thống như: nhà sách, cửa hàng đồ chơi thông minh và một số trang thông tin thương mại điện tử lớn như: Lazada, Tiki…

Quang Huy cũng cho biết thêm, Magic Book tập trung chính vào đối tượng 5 -12 tuổi nhưng mục tiêu mở rộng trong khoảng 3-15 tuổi, hiện dung lượng thị trường tiềm năng này có khoảng 7,5 triệu người dùng. Nếu trong 3 năm đầu tiên, Magic Book phủ được 15% thị trường là đủ khả năng hoàn vốn. Quang Huy cũng dự kiến trong năm đầu tiên sẽ bán ra 4 nghìn sản phẩm, năm thứ 2 là 100 nghìn sản phẩm và năm thứ 3 là 150 nghìn sản phẩm. Như vậy, sau 3 năm nhà đầu tư có thể nhanh chóng thu hồi vốn.

Không dễ bị đánh lừa với các con số mà startup vẽ ra, Shark Phú là người đầu tiên lên tiếng rút lui. Shark nói: “Ba năm thu hồi vốn, nhưng với tỉ lệ này, anh tính toán ít nhất 10 năm nữa em mới thu hồi được vốn”. Đồng quan điểm, PCT CenLand cũng từ chối tham gia kèm lời nhận xét: “Mô hình doanh số của bạn bán một lần rồi, việc cập nhật thì phải bán đồ chơi khác không tạo ra nhu cầu phát sinh liên tục. Việc giải quyết một nhu cầu thiết yếu ở trong đứa trẻ tôi thấy không rõ ràng”. Không ủng hộ việc cho trẻ em tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử, Shark Linh cũng lắc đầu từ chối đầu tư. Sau phần trình bày lòng vòng về thông số của startup, Shark Dzung Nguyễn cũng lên tiếng tuyên bố rút lui.

Dù 4/5 “cá mập” đã rút lui nhưng vốn là người quan tâm, am hiểu về thị trường giáo dục nên Shark Thủy muốn cho startup cơ hội nhiều hơn. Ông đặt ra nhiều câu hỏi về các thông số, dữ liệu đo đạc thói quen, nhu cầu sử dụng Magic Book từ khách hàng để nắm bắt dung lượng thực của thị trường này. Tuy nhiên Quang Huy lại khá lúng túng khi trả lời bởi nhà sáng lập cho rằng các con số này không quá cần thiết, chưa kịp tìm hiểu cặn kẽ.

Ngay lập tức, CT Apax Leaders bày tỏ sự không đồng tình: “Đây là thông số vô cùng quan trọng, bởi dự án của em chưa đo được bằng doanh thu và lợi nhuận. Sức sống của sản phẩm có hay không không phải bằng việc em bán ra đại lý được bao nhiêu, mà phải xem đại lý có bán được cho người dùng thật hay không. Người dùng mua về có dùng hay không và có quay lại dùng liên tục hay không. Sức sống của sản phẩm sẽ quyết định tiềm năng của em. Cái mà anh thật sự băn khoăn, đối với sản phẩm dung hợp giữa công nghệ - vật lý và giải trí - giáo dục thì không hiểu là cái nào, rất sợ làm không tới”.

Shark Thuy rot 500.000 USD dau tu vao cong nghe giao duc
Shark Thủy cho rằng sức sống của sản phẩm sẽ quyết định tiềm năng của startup

Dù hơi băn khoăn về định vị của Magic Book, nhưng Shark Thủy vẫn cho startup một cơ hội cuối khi nhà đồng sáng lập khẳng định chắc chắn công ty làm về giáo dục có ứng dụng công nghệ. Shark Thủy chia sẻ: “Anh nghĩ hướng đi này là có tiềm năng, hiện nay công nghệ trong giáo dục là một thị trường tương lai rất phát triển. Nhưng nếu em vẫn giữ cách làm cũ thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng anh nghĩ, chúng ta có thể điều chỉnh được. Anh có rất nhiều team công nghệ, và anh có thể hỗ trợ các em về vấn đề kênh phân phối. Anh đang phát triển chuỗi dạy về tư duy và các kỹ năng cho trẻ em. Đó là tệp khách hàng trùng với hướng mà em đang phát triển”.

CT Apax đã đưa ra lời đề nghị 200 nghìn USD đổi lấy 30% cổ phần công ty và 300 nghìn USD còn lại là trái phiếu chuyển đổi trong vòng hai năm. Tuy nhiên, do định giá công ty dựa trên các giai đoạn phát triển của startup, Quang Huy bày tỏ mong muốn nhận được 300 nghìn USD để đổi lấy 30% cổ phần từ Shark. Tuy nhiên, mức định giá “quá đắt” này ngay lập tức bị Shark Thủy bác bỏ, ông chỉ ra vấn đề: “Vấn đề của em là sản phẩm chưa có doanh thu, chưa chứng minh độ hot của sản phẩm. Công ty không thể định giá 2,5 triệu được, chỉ dao động từ 600-700 nghìn USD thôi”.

Cuối cùng, với mong muốn vươn mình đi xa hơn, Quang Huy đã gật đầu đồng ý với lời đề nghị ban đầu của Shark Thủy. Cái ôm chặt của CT Apax cùng nhà đồng sáng lập Magic Book hứa hẹn sẽ tạo nên nhiều cú đột phá cho việc ứng dụng công nghệ vào nền giáo dục Việt trong tương lai.

Shark Thuy rot 500.000 USD dau tu vao cong nghe giao duc
Shark Thủy rót 500 nghìn USD vào công nghệ giáo dục Magic Book

Cùng theo dõi Shark Tank Việt Nam mùa 2 vào lúc 20h30, tối thứ 4 hàng tuần trên kênh VTV3 để đón xem những thương vụ ấn tượng tiếp theo.

Xem FULL tập 11 tại đây.