Shark Liên rời ghế CEO, nhiều "ẩn số" trong cơ cấu cổ đông của Nước Sông Đuống. Nguồn: Soha
Shark Liên nhường ghế cho CEO 8X, người Thái áp đảo Hội đồng quản trị Sông Đuống
Theo thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đến ngày 19/11, Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống có nhiều xáo trộn trong nhân sự và cổ đông.
Shark Liên rời ghế Tổng giám đốc
Giấy đăng ký kinh doanh đã xác nhận bà Đỗ Thị Kim Liên (vị Shark trong chương trình Shark Tank Việt Nam) đã chính thức rời ghế Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống.
Thay thế vị trí của bà Liên là ông Tạ Đức Hoàng, sinh năm 1980, có hộ khẩu thường trú tại 5B7, Tập thể Quân đội, Học viện Quốc phòng, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Ông Tạ Đức Hoàng đồng thời cũng là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Nước mặt Sông Đuống, đồng thời là Tổng giám đốc Tập đoàn Aqua One (công ty mẹ của Nước mặt Sông Đuống).
Dù rời vị trí Tổng giám đốc nhưng Shark Liên vẫn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty.
Đặc biệt, cơ cấu cổ đông của Công ty Nước mặt Sông Đuống xuất hiện nhiều cá nhân có quốc tịch Thái Lan: Ông Natthapatt Tanboon-Ek, sinh năm 1970, quốc tịch Thái Lan, thành viên Ban Kiểm soát; Bà Jareeporn Jarukornsakul, sinh năm 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị; Ông Vivat Jiratikarnsakil, sinh năm 1956, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị; Ông Wisate Chungwatana, sinh năm 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị.
Có hai nhân sự người Việt khác là ông Nguyễn Trọng Dũng, sinh năm 1958, thành viên Ban Kiểm soát; và bà Lương Thị Mai Hương - Kế toán trưởng.
Cơ cấu cổ đông và "ẩn số" Vietinbank Capital
Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 8/6/2016 với hoạt động chính là sản xuất và cung cấp nước. Thời gian hoạt động là 50 năm.
Các cổ đông sáng lập của công ty bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch - Newtatco (5%), Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Oman 27% (nhà đầu tư ủy thác góp vốn), Công ty cổ phần nước Aqua One 58% (nhà đầu tư ủy thác góp vốn).
Tổng vốn đầu tư cho dự án là gần 5.000 tỷ, trong đó vốn góp để thực hiện dự án là hơn 999,6 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Vốn vay là gần 4.000 tỷ.
Trong quá trình thực hiện dự án, cơ cấu cổ đông của Sông Đuống có nhiều thay đổi. Thực tế, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 8/6/2016, các cổ đông của công ty bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (5%), VIAC (No.1) Limited Partnership - Singapore (27%), Công ty TNHH MTV quản lý Quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam _ Vietinbank Capital (58%).
Tới cuối 2018, toàn số cổ phần của VIAC (No.1) Limited Partnership - Singapore và Công ty TNHH MTV quản lý Quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, tổng cộng 75%, đã được chuyển sang cho 3 cổ đông mới là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 (30%), Công ty Cổ phần Nước Aqua One ( 45%) và Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Sài Gòn (10%).
Tuy nhiên, cuối quý 3/2019, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan và từ Công ty Cổ phần nước Aqua One, một lượng cổ phần từ cổ đông hiện hữu đã được chuyển qua cho một công ty Thái WHAUP, tổng cộng 34%. Cổ đông Thái WHAUP thay cho cổ đông Singapore ban đầu và gom thêm 7% từ Vietinbank Capital.
Về phía Vietinbank Capital, công ty đã chuyển nhượng sang cho Aqua One 51% vốn.
Ngoài việc là cổ đông uỷ thác, Vietinbank còn là ngân hàng tài trợ vốn vay cho dự án này, lãi suất 9%/năm.
Đại diện của Viettinbank khi trao đổi với VnEconomy có khẳng định Vietinbank Capital chỉ là pháp nhân đứng tên dựa trên cổ đông uỷ thác. Nhóm nhà đầu tư đã uỷ thác theo hình thức chỉ định do đó quỹ chỉ đơn thuần là làm dịch vụ theo hợp đồng. Tuy nhiên, Vietinbank Capital không tiết lộ danh tính nhóm nhà đầu tư uỷ thác.
Về ý kiến vừa cho vay, vừa đầu tư của nhà băng này, đại diện Vietinbank khẳng định là không chính xác bởi Vietinbank Capital chỉ là pháp nhân làm dịch vụ uỷ thác, không sở hữu cổ phần của Công ty Sông Đuống. Việc cho vay, Vietinbank cho biết giải ngân theo từng giai đoạn phù hợp với tiến độ của dự án và không vi phạm quy định của Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Vừa qua, Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống gặp phải lùm xùm giá nước khi được UBND Tp. Hà Nội chấp thuận giá nước tạm tính lên tới 10.246 đồng/m3 nước, gấp đôi so với các nhà cung cấp khác, thậm chí đắt hơn cả giá nước bán lẻ trên thị trường hiện nay.
Nguồn VnEconomy