SFI: Cổ đông lại chê đối tác chiến lược
Theo HĐQT, giá phát hành này là giá trị sổ sách tại thời điểm 31/12/2011 nhân với hệ số ưu đãi 97%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của SFI sẽ tăng từ 82,9 lên 103.6 tỷ đồng. Công ty phải tăng vốn nhằm đáp ứng quy định của Hiệp hội các Hãng vận tải Hàng không và Đại lý vận tải hàng không quốc tế IATA áp dụng cho đại lý hàng hóa (lớn hơn hoặc bằng tài sản cố định).
Tuy nhiên, theo ý kiến của các cổ đông tại Đại hội, phương án tăng vốn này hoàn toàn không khả thi. Cụ thể, giá trị sổ sách chưa thể phản ánh đúng hết giá trị thực của công ty. Nhiều công ty gần đây đã thực hiện chào bán cho cổ đông chiến lược với giá cao hơn rất nhiều so với giá giao dịch trên sàn như VCB. Bên cạnh đó, đối tác chiến lược do HĐQT đưa ra chưa hề có thương hiệu tại Việt Nam, do đó các nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng hỗ trợ kinh doanh của đối tác này với SFI.
Đại diện của một nhóm cổ đông lớn chiếm 15% vốn đề xuất SFI không nhất thiết phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng quy định của IATA mà có thể giảm tài sản bằng cách bán đi các tài sản sử dụng không hiệu quả. Điển hình là tòa nhà ở Lê Lợi-Đà Nẵng với trị giá 10-20 tỷ đồng trong khi công ty đang cho thuê với giá 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, khi dự án Nguyễn Văn Thủ được đưa vào sử dụng thì văn phòng tại Đoàn Nhữ Hài sẽ được làm gì? Việc bán 20% vốn cho một nhà đầu tư chiến lược sẽ gây tác động không tốt đến các nhà đầu tư khác.
Giải thích với các cổ đông, đại diện ban chủ tọa cho biết giá chào bán cho các cổ đông chiến lược đã được xác định dựa trên dòng tiền thu về trong tương lai. Đối với tài sản của công ty, các giá trị này đã khấu hao gần hết nên phương án giảm tài sản sẽ không có hiệu quả cao.
Kết quả bỏ phiếu với 11,8% đồng ý phương án tăng vốn, còn lại 79,35% không đồng ý. Như vậy Đại hội đã không thể thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược để tăng vốn điều lệ.
Được biết, trong kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm trước đó, cổ đông SFI cũng chê giá chào mua 20% vốn SFI của China Merchant Group. Lúc đó HĐQT cho biết, giá bán sẽ được tính theo giá trị tài sản ròng (NAV) của SFI.
Tại đại hội, cổ đông công ty cũng thông qua kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng 2012 tương đương năm cũ với hai chỉ tiêu lần lượt là 210 tỷ đồng và 31,5 tỷ đồng. Dự kiến tỷ lệ chia cổ tức là 15%.
Về mức cổ tức năm 2011, công ty trình cổ đông hai phương án chia cổ tức năm 2011 do phải hoàn âm phần lợi nhuận chưa phân phối. Cụ thể, ở phương án thứ nhất, SFI sẽ chia cổ tức theo tỷ lệ 15% và chấp thuận lợi nhuận chưa phân phối chưa hoàn âm, phương án thứ hai là trả cổ tức với tỷ lệ 3,8%
HĐQT cho biết, phần lợi nhuận của các công ty liên doanh chưa chuyển hết về cho SFI nên lợi nhuận chưa phân phối thể hiện trên báo cáo của công ty mẹ 2011 của SFI thấp hơn số liệu trong báo cáo hợp nhất. Theo quy định, công ty chỉ được phân phối lợi nhuận và chia cổ tức dựa trên số lợi nhuận chưa phân phối thấp hơn.
Như vậy, SFI sẽ phải chia cổ tức dựa trên lợi nhuận chưa phân phối của công ty mẹ. Trong khi khoản này của SFI lại đang bị âm vốn và phải hoàn âm. Nếu SFI thực hiện hoàn âm trong năm nay thì tỷ lệ cổ tức chi cho cổ đông sẽ bị giảm từ 15% xuống còn 3,8%.
Sau khi thảo luận và biểu quyết, HĐQT đã quyết định chỉ trình lên cơ quan quản lý Nhà nước phương án thứ nhất chia cổ tức theo tỷ lệ 15%. Phần hoàn âm sẽ ủy quyền cho HĐQT bàn bạc và đưa ra giải pháp sau. Cuối cùng Đại hội đã thông qua tỷ lệ chia cổ tức năm 2011 là 15% với tỷ lệ đồng ý 90,14%.
Chi tiết nghị quyết Đại hội cổ động xem tại đây.
Nguồn Vietstock