Sếp mới của Uber Việt Nam: “Chúng tôi không để kinh doanh bị ảnh hưởng!"
Ông Tom White, Tân Giám đốc Điều hành của Uber Việt Nam, nói với NCĐT về hiệu quả của việc đối thoại với các thành viên Chính phủ. Tôi đã làm việc và liên tục đối thoại với các tổ chức của Chính phủ Việt Nam, nhằm tạo ra một chính sách phù hợp và công bằng cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế chia sẻ”.
Thế nhưng, ông Tom, người được cho là “có kinh nghiệm” trong lĩnh vực chính trị và chính sách công, với vị trí gần nhất là Cố vấn Cao cấp cho Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Bộ trưởng Bộ giáo dục Tây Úc, cũng thừa nhận: “Cách quản trị nền kinh tế của Việt Nam rất khác Úc”.
Uber đã nhanh chóng thu hút được lượng lớn người dùng ngay khi mới ra mắt khi đặt ra được mức cước thấp hơn hẳn taxi truyền thống. Nhưng cạnh đó, đã có những hành động, những chỉ trích từ “những người cảm thấy không thoải mái” với việc có mặt của Uber tại Việt Nam.
Thêm vào đó, khoản tiền phạt truy thu thuế là 66,8 tỷ đồng, tương đương 3 triệu USD do “kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp” của Cục Thuế TP.HCM và những thông tin tiêu cực về hoạt động của Uber ở một số thị trường, cũng tác động đáng kể đến uy tín của Uber tại Việt Nam.
“Chúng tôi không để những chuyện đó ảnh hưởng đến việc kinh doanh” ông Tom khẳng định, trong bối cảnh ông chính thức đảm nhận vai trò Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam từ tháng 10.2017. Theo ông, các quy định về tài chính đã được Uber Việt Nam “chấp hành đầy đủ”.
Việc đầu tư Green Light Hub - Trung tâm Hỗ trợ Đối tác lớn nhất Việt Nam tại Hà Nội, với Uber là “mốc quan trọng”, giúp công nghệ gọi xe này cạnh tranh thoải mái hơn tại thị trường hơn 90 triệu người dùng.
Việt Nam mở cửa năm 1986 và đến nay thu nhập của người dân đã tăng gấp 4 lần và những ý tưởng mới, những doanh nghiệp kinh doanh các loại hình mới, như Uber cũng đã được hình thành. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có một khung pháp lý phù hợp, với sự tham gia của các bên để phát triển kinh tế chia sẻ.
Trao đổi với NCĐT, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội, cho biết, AmCham đã làm việc và liên tục đối thoại với các tổ chức thuộc Chính phủ Việt Nam, nhằm tạo ra khung pháp lý phù hợp cho ngành kinh tế chia sẻ.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi nên cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, trong các thông điệp của Amcham dành cho Chính phủ Việt Nam, ông Adam Sitkoff cho biết: “Công bằng, thông minh và tạo cơ hội cho doanh nghiệp là 3 yếu tố cần có trong khung pháp lý cho các ngành kinh tế, trong đó có kinh tế chia sẻ phát triển”.
Ông Adam Sitkoff cũng nói “sẽ tiếp tục làm việc với nhiều ban ngành của Việt Nam để sớm có được một khung pháp lý phù hợp, đảm bảo công bằng cho tất cả các bên”.
Tại các thành phố trên toàn thế giới, công nghệ đang thay đổi cách tiếp cận dịch vụ giao thông vận tải. Tính đến nay, Uber đang hoạt động tại trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 670 thành phố trên toàn thế giới.
Công nghệ gọi xe này đã trở thành một trong những start-up có giá trị nhất thế giới, được định giá tới 68 tỷ đô la Mỹ hồi đầu năm 2017. Hiện nay, Uber đang tập trung vào thử nghiệm xe không người lái và đẩy mạnh cạnh tranh với các ứng dụng chia sẻ xe khác tại khu vực Đông Nam Á, mà Grab là đối thủ đáng gờm.
Sau hơn 3 năm hoạt động tại Việt Nam, Uber có khoảng 4 triệu người dùng, thực hiện tổng hành trình dài hơn 322 triệu km, với hàng chục ngàn xe ô tô và xe máy chạy mỗi ngày.