Đinh Mai Hạnh (*) Thứ Bảy | 13/10/2018 11:31

Sếp Deloitte tư vấn về thực thi giá chuyển nhượng

Dưới cái nhìn của một nhà tư vấn thuế, Nghị định 20 sẽ tác động đến doanh nghiệp như thế nào?

Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) được Chính phủ ban hành ngày 24.02.2017 được xem là bước tiến quan trọng nhất của quy định về giá chuyển nhượng trong 10 năm qua. 

Nghị định 20 ra đời khi Chính phủ xem xét các chương trình cải cách thuế, và tham chiếu đến các chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (“BEPS”) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (“OECD”). Thực tế, vẫn còn một số vướng mắc cho các doanh nghiệp khi thực thi Nghị định 20. Bài viết tổng hợp 4 vướng mắc chính và đề xuất các giải pháp khắc phục.

Vấn đề đầu tiên

Một trong những vướng mắc đáng lưu ý là, thời hạn để hoàn tất nghĩa vụ tuân thủ đã tạo ra gánh nặng cho các doanh nghiệp. Khi phát sinh giao dịch liên kết (“GDLK”) trong năm, doanh nghiệp phải nộp bốn (4) Mẫu kê khai kèm theo tờ khai quyết toán thuế TNDN (trước đây là một (1) Mẫu kê khai). 

Ngoài ra, doanh nghiệp cần lập các Hồ sơ quốc gia, Hồ sơ toàn cầu và thu thập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (“CbCR”) từ công ty mẹ tối cao. Tại thời điểm quyết toán, doanh nghiệp có nhiều hồ sơ phải hoàn tất nên việc tăng thêm các hồ sơ này đã tạo ra gánh nặng hành chính lớn hơn.

Do đó, cơ quan thuế nên cân nhắc kéo dài thời gian, ví dụ như tại Nhật Bản và Hàn Quốc, các doanh nghiệp phải nộp hai hồ sơ này sau 1 năm kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Vấn đề thứ 2

Thứ hai, yêu cầu lập Hồ sơ toàn cầu và thu thập CbCR gây khó khăn cho người nộp thuế.  Theo thông lệ quốc tế, hai loại hồ sơ này thường đi kèm với nhau và chỉ áp dụng cho các tập đoàn đạt doanh thu hợp nhất toàn cầu đạt một ngưỡng nhất định (ví dụ ở Nhật Bản là 100 tỉ Yên).

Tại Việt Nam, Nghị định yêu cầu người nộp thuế lập và cung cấp Hồ sơ toàn cầu của tập đoàn đa quốc gia nơi hợp nhất báo cáo tài chính. Trong các trường hợp Tập đoàn không có Hồ sơ toàn cầu do quy định nước sở tại không yêu cầu thì công ty con ở Việt Nam phải tự chuẩn bị.

Tuy nhiên, đây là những thông tin về tập đoàn có tính bảo mật cao nên việc công ty con tại Việt Nam – chủ yếu là các công ty sản xuất mang lại giá trị gia tăng thấp – phải tự chuẩn bị Hồ sơ toàn cầu là điều không hợp lý và không khả thi.

Tác giả đề xuất trong trường hợp này doanh nghiệp cung cấp căn cứ pháp lý dưới dạng văn bản về việc công ty mẹ tối cao không thuộc đối tượng chuẩn bị Hồ sơ toàn cầu. 

Đối với CbCR, theo thông lệ quốc tế, CbCR sẽ được chia sẻ trực tiếp giữa các cơ quan thuế có ký thỏa thuận chia sẻ thông tin (hiện tại là 65 quốc gia đã ký kết, chưa có Việt Nam). Do đó, Việt Nam nên sớm tham gia các thỏa thuận chia sẻ thông tin CbCR để tăng cường tính bảo mật thông tin.

Sep Deloitte tu van ve thuc thi gia chuyen nhuong
 

Vấn đề thứ 3

Ba là, các doanh nghiệp chưa hiểu đạo lý và cách áp dụng đối với mức trần lãi vay. Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 quy định: Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao (“EBITDA”) trong kỳ của người nộp thuế.

Đây là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn, thậm chí đến việc tồn tại sống còn của nhiều doanh nghiệp. Việc áp dụng ngay Nghị định 20 mà không cho doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh lại cơ cấu vốn đã làm xáo trộn kế hoạch tài chính. BEPS khuyến nghị các nước nên đưa ra một lịch trình áp dụng nguyên tắc này để doanh nghiệp có thời gian tái cấu trúc tài chính. 

Các doanh nghiệp luôn đặt câu hỏi ai là đối tượng chịu mức khống chế trần lãi vay? Nếu doanh nghiệp có GDLK nhưng không liên quan đến giao dịch vay thì chi phí lãi vay trả cho ngân hàng thương mại có chịu mức khống chế không? Hầu hết các quan điểm của cơ quan thuế là nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 20 thì sẽ chịu mức khống chế này. 

Định hướng của ngành ngân hàng trong năm 2018 là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, nếu doanh nghiệp có GDLK bị khống chế mức lãi vay trả cho ngân hàng thương mại thì sẽ trái với mục tiêu đẩy mạnh tín dụng.

Do đó, tác giả khuyến nghị quy định này chỉ áp dụng khi doanh nghiệp vay vốn từ bên liên kết và tính trên phần chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết, đồng thời cho phép bù trừ giữa thu nhập cho vay và chi phí lãi vay như hướng dẫn của BEPS. 

Ngoài ra, quy định không đề cập đến trường hợp EBITDA âm. Cơ quan thuế nên cho phép chuyển phần lãi vay vượt mức sang tối đa không quá 5 kỳ tính thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) tiếp theo (giống cách chuyển lỗ theo luật thuế TNDN tại Việt Nam).

Vấn đề thứ 4

Điểm thứ tư, Nghị định 20 vẫn chưa đưa ra hướng dẫn cho trường hợp doanh nghiệp bị lỗ. Liên tục báo lỗ được xem là một dấu hiệu của hành vi chuyển giá. Tuy nhiên, không nên đánh đồng toàn bộ các trường hợp bị lỗ là chuyển giá. Ví dụ như doanh nghiệp bị lỗ khi mới đi vào hoạt động là có thể hiểu được do doanh nghiệp đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trong trung và dài hạn. 

Vì vậy, cơ quan thuế cũng cần làm rõ nguyên nhân lỗ là gì và liệu doanh nghiệp có động cơ chuyển giá hay không. Về vấn đề này, OECD khuyến nghị cần nghiên cứu và đánh giá chi tiết về nguyên nhân lỗ, liệu lỗ là do Tập đoàn sắp đặt, hay do chu kỳ và chiến lược kinh doanh (Điểm D.3. Hoạt động lỗ, Chương I, OECD tháng 7.2017).

Nghị định 20 nhằm tăng cường tính minh bạch đối với GDLK nhưng chưa tạo được hiệu ứng tích cực một cách toàn diện. Để một quy định thực sự đi vào đời sống của doanh nghiệp, quy định cần tạo ra sự bình đẳng trong cách hiểu và cách áp dụng và mang tính khả thi.

Người nộp thuế nên chủ động tìm hiểu về các quy định mới, phản hồi các khó khăn và đề xuất giải pháp. Cơ quan thuế cần giải thích thêm về thông lệ quốc tế và đạo lý của việc áp dụng quy định theo tinh thần chung của BEPS cho người nộp thuế. Cơ quan Thuế hiện vẫn tiếp tục lắng nghe, thu thập ý kiến nên hy vọng rằng sẽ có nhiều biến chuyển mới tích cực hơn trong tương lai gần.

(*): Phó TGĐ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam