Chủ Nhật | 30/11/2014 10:45

Seaprodex … sẽ rót hàng trăm tỷ vào bất động sản

Seaprodex dự kiến đầu tư vào 6 dự án bất động sản chủ yếu là trung tâm thương mại và khách sạn.

Ngoài thủy sản…

Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) được thành lập cách đây 36 năm (1978). Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là sản xuất, nuôi trồng chế biến thủy sản, cơ khí đóng tàu thủy sản…

Tuy nhiên, Seaprodex lại đang có kế hoạch rót 728 tỷ đồng để đầu tư 6 dự án bất động sản từ năm 2015.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng 2014, tại thời điểm cuối kỳ, Seaprodex có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chỉ gần 96 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương 374 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Seaprodex không vay nợ ngân hàng nhưng khoản đầu tư vào các công ty, liên doanh liên kết và dài hạn là 583 tỷ đồng.

Seaprodex sở hữu 6 công ty con , 11 công ty liên doanh liên kết (sở hữu từ 20% đến 46%) và đầu tư dài hạn vào 14 công ty (từ 2% đến 18%).

Trong khoản đầu tư dài hạn, nổi trội nhất là gần 35 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Việt Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc Proconco, chiếm 17.47% vốn.

Các công ty con tại thời điểm 30/09/2014
Các công ty con tại thời điểm 30/09/2014

Với danh sách nắm giữ các doanh nghiệp khác khá nhiều này, Seaprodex cũng đã gặp không ít những phiền toái riêng khi hàng năm đơn vị kiểm toán đều có ý kiến ngoại trừ.

Cụ thể, năm 2013, đơn vị kiểm toán lưu ý Seaprodex chưa ghi nhận tăng giá trị đầu tư đối với số cổ phiếu đã ghi nhận được không phải trả tiền là 131 tỷ đồng do đó làm lợi nhuận trong năm và khoản mục đầu tư tài chính dài hạn khác giảm đi số tiền tương ứng.

Ngoài ra, việc giá trị tài sản thiếu chờ xử lý của lô thép bị chiếm dụng tại CTCP XNK Thủy sản Hà Nội hơn 13 tỷ đồng phát sinh từ năm 2008 đến thời điểm đó vẫn chưa được giải quyết hay trích lập dự phòng tổn thất tài sản.

Và đến nay, Seaprodex cũng đang có “trục trặc” trong việc thanh lý khoản vốn góp (40 tỷ đồng) vào Công ty Liên doanh Thủy sản Việt Nga (Seaprimfico) khi hết hạn hoạt động (2007).

Hiện tại, Seaprodex đang tiến hành các thủ tục thanh lý tài sản và di dời nhà máy để bàn giao mặt bằng cho dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm của TPHCM tuy nhiên phía đối tác Nga không đồng ý giải thể.

Vì thế, để thuận lợi cho việc IPO, Seaprodex đã đề xuất 2 phương án là bàn giao 40 tỷ đồng này cho Công ty mua bán nợ do toàn bộ số tiền đã được trích lập dự phòng 35 tỷ đồng đã được tăng vốn khi Nhà nước xác định giá trị doanh nghiệp lần 1.

Phương án khác là Seaprodex tiếp tục kế thừa khoản đầu tư tài chính dài hạn này với giá trị còn lại chỉ 4.5 tỷ đồng bằng giá trị vốn đầu tư trừ đi dự phòng tổn thất đầu tư.

Nguồn doanh thu chủ yếu của Seaprodex vẫn là xuất khẩu thủy sản với tỷ trọng đều từ 30% trở lên từ các công ty con.

Cơ cấu doanh thu thuần theo lĩnh vực hoạt động
Cơ cấu doanh thu thuần theo lĩnh vực hoạt động

Với tổng tài sản và vốn điều lệ của Seaprodex tính bằng hàng ngàn tỷ đồng nhưng lợi nhuận mang lại khá khiêm tốn khi năm 2011 đạt mức cao nhất với 136 tỷ đồng thì năm 2012 chỉ còn 28 tỷ đồng và năm gần đây nhất 2013 có tăng lên được 98 tỷ đồng. Tương ứng với tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn của Seaprodex chưa lên được tới mức 20%.

Một số chỉ tiêu tài chính 3 năm trước cổ phần hóa
Một số chỉ tiêu tài chính 3 năm trước cổ phần hóa

… sẽ đầu tư thêm bất động sản

Seaprodex cho biết, hiện Công ty đang có lượng tiền mặt nhàn rỗi khá lớn và chủ yếu đang được gửi ngân hàng.

Công ty dự kiến đầu tư trong ngành thủy sản, tăng cường mua bán sáp nhập, thoái vốn tại công ty kém hiệu quả, tăng sở hữu tại các công ty thủy sản có tiềm năng như Thủy sản Năm Căn, Đồ hộp Hạ Long, Thủy sản 4 và thành lập công ty con chuyên về đầu tư để tìm hiểu cơ hội đầu tư trong ngành thủy sản nói riêng và nông nghiệp.

Trước mắt, trong thời gian từ 2014-2016, Seaprodex sẽ thoái vốn khỏi 12 công ty trong đó chủ yếu là liên doanh.

Đáng chú ý, Seaprodex cũng lên phương án đầu tư vào 6 dự án bất động sản chủ yếu là trung tâm thương mại và khách sạn. Nguồn vốn dự kiến cho các dự án này là vốn tự có và liên kết. Theo kế hoạch, một số dự án sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2015.

Được biết, hiện Seaprodex đang quản lý, sử dụng hơn 878 ngàn m2 đất tại 5 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó có 8 đơn vị tại TPHCM, 3 đơn vị tại Vũng Tàu, 1 đơn vị tại Hà Nội, 4 đơn vị tại Bình Dương và 3 đơn vị tại Hải Phòng.

Sau cổ phần hóa, Seaprodex có nhu cầu sử dụng 797 ngàn m2 đất. Trong đó, 739 ngàn m2 được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận chủ trương cho phép đầu tư xây dựng dự án mới.

Dù khả năng có thêm nguồn thu từ việc thoái vốn, hay các dự án bất động sản, nhưng các chỉ tiêu kế hoạch trong vài năm tới của Seaprodex cũng sàn sàn như thời gian qua và cổ tức dự kiến chỉ từ năm 2016 với 6% và 2017 là 8%.

Nguồn Vietstock