SeABank sẽ còn một chặng đường dài nỗ lực để có thể cải thiện hiệu quả kinh doanh. Ảnh: Quý Hòa

 
Sơn Nguyễn Thứ Tư | 11/07/2018 14:00

Seabank thay tướng

Đi cùng với việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ trẻ, chiến lược hoạt động của Seabank cũng sẽ có những thay đổi đáng kể.

Sau quyết định rời chiếc ghế chủ tịch ngân hàng Seabank để tập trung nguồn lực nhiều hơn cho đứa con BRG Group, tầm ảnh hưởng của bà Nguyễn Thị Nga tại ngân hàng này vẫn không hề thuyên giảm khi mới đây, ái nữ mới 35 tuổi của bà Nga là Lê Thu Thủy đã được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc. Đi cùng với việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ trẻ, chiến lược hoạt động của Seabank cũng sẽ có những thay đổi đáng kể để gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường, nhưng liệu đằng sau đó có những toan tính gì?

CON ĐƯỜNG VẠCH SẴN
Mặc dù thuộc thế hệ 8x nhưng bà Lê Thu Thủy đã có hơn chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Sau khi trải qua một số vị trí và đảm nhận các nghiệp vụ quan trọng tại SeABank, từ năm 2013, bà Thủy chính thức được giao trọng trách với chức vị Phó Tổng Giám đốc SeABank, chịu trách nhiệm trong việc phát triển các khách hàng lớn, hay phê duyệt các hợp đồng tín dụng trọng yếu. Quyền lực của bà Thủy có vẻ như đã được xác lập từ lâu.

Chọn năm nay làm thời điểm chuyển giao quyền điều hành khá phù hợp, khi SeABank chứng kiến kết quả kinh doanh khởi sắc hơn sau giai đoạn khó khăn, đặc biệt đi kèm với những tin đồn sáp nhập với một ngân hàng khác trong thời gian gần đây.

Áp lực ngồi lên chiếc ghế nóng CEO (Tổng Giám đốc) ngân hàng là rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng cường các quy định và biện pháp kiểm soát sức khỏe toàn hệ thống để giải quyết vấn đề nợ xấu.

SeABank lại là một trong những ngân hàng chứng kiến tần suất thay đổi CEO nhiều nhất. Sau khi ông Đặng Bảo Khánh thôi làm Tổng Giám đốc đầu tháng 7.2017, ngân hàng này đã bổ nhiệm ông Lê Văn Tần, Phó Tổng Giám đốc lên nắm Quyền Tổng Giám đốc.

Được hơn 2 tháng, vị trí điều hành cao nhất của ông Tần đươc chuyển giao cho Nguyễn Cảnh Vinh, cựu Phó Tổng Giám đốc của Techcombank. Nhưng ông Vinh chỉ tại vị 4 tháng và nhượng chiếc ghế CEO lại cho ông Tần, trước khi bà Thủy chính thức lên nắm quyền mới đây.

Tất nhiên, việc luân chuyển quá nhiều chỉ trong một thời gian ngắn tại một vị trí quan trọng như CEO là một yếu tố bất lợi đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào, bởi điều đó phản ánh những “bất ổn” nội tại và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Liệu lần này, dưới bàn tay của nữ tướng mới, SeABank có đổi vận?

Seabank thay tuong
 

Hãy nhìn lại tình hình kinh doanh của SeABank trong thời gian qua. Nhờ kinh tế tăng trưởng tốt hơn và thị trường bất động sản khởi sắc, lợi nhuận ròng của SeABank năm ngoái đã tăng gần 3 lần lên 304 tỉ đồng. Dù vậy, với tỉ lệ thu nhập lãi biên (NIM) mới đạt 1,85%, một con số rất khiêm tốn và SeABank sẽ còn một chặng đường dài nỗ lực để có thể cải thiện hiệu quả kinh doanh như các đối thủ khác.

Đó cũng là lý do vì sao SeABank đang muốn tham gia sâu hơn vào mảng tín dụng tiêu dùng có biên lợi nhuận khá tốt. Tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định chấp thuận việc mua bán, chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tại Công ty Tài chính Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Bưu điện (PTF) cho SeABank. 

Thương vụ M&A có giá trị khoảng 710 tỉ đồng này được xem là bước đi đầu tiên của SeABank trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm trong mảng dịch vụ bán lẻ. Dù vậy, thách thức để giành được thị phần từ tay các đối thủ mạnh như FE Credit, HD Saison, Home Credit... sẽ không hề nhỏ dành cho tân CEO Lê Thu Thủy.

Một thách thức khác cho tân CEO chính là áp lực tăng vốn điều lệ để gia tăng quy mô vốn tự có, nhất là sau khi hàng loạt cổ đông chiến lược như MobiFone, PV Gas thoái vốn theo chủ trương giảm đầu tư ngoài ngành của Chính phủ.

Còn nhớ năm ngoái, SeABank đã thông qua quyết định tăng vốn điều lệ lên mức tối đa khoảng 9.000 tỉ đồng nhưng tính đến cuối năm, vốn điều lệ chỉ đạt 5.465 tỉ đồng. Mục tiêu tăng vốn tiếp tục được Đại hội cổ đông năm nay thông qua, tuy nhiên xác suất thành công vẫn còn là dấu hỏi.

DỒN LỰC CHO BẤT ĐỘNG SẢN
Mặc dù vẫn là thành viên Hội đồng Quản trị của SeABank nhưng việc quyết định chuyển giao quyền lực cho con gái có thể sẽ giúp bà Nga “rảnh tay” hơn để dồn lực phát triển đứa con BRG, thông qua hàng loạt các dự án bất động sản có quy mô lên tới hàng tỉ USD.

Đáng kể nhất là siêu dự án Smart City phía Bắc Hà Nội có tổng diện tích 271ha. Dự án sẽ được phát triển trong 5 giai đoạn với 5 mô hình liên doanh phát triển cho các giai đoạn, tổng vốn đầu tư 4,138 tỉ USD. Trong đó, giai đoạn 1 có diện tích hơn 73ha và tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD do liên doanh BRG - Sumitomo phát triển.

“Việc xây dựng khu đô thị thông minh hiện đại tại một khu vực có ý nghĩa vô cùng quan trọng tại hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài, nơi được coi là cửa ngõ của thế giới đến với Thủ đô Hà Nội, không chỉ cho thấy tầm nhìn chiến lược của chúng tôi trong sự phát triển mạnh mẽ của Thủ đô, mà còn thể hiện rõ nét nhất tư duy “dám nghĩ, dám làm” của chúng tôi, thậm chí dám tự bỏ chi phí để hoàn thiện tâm huyết này với mục tiêu cao nhất là mang lại một dấu ấn mới cho Thủ đô”, bà Nga cho biết.

 Nhờ “chịu chi” trong các thương vụ cổ phần hóa hay thoái vốn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước các năm qua, BRG đang sở hữu một khối lượng tài sản rất lớn, trải dài từ Bắc chí Nam như Intimex Việt Nam, khách sạn Thắng Lợi, Hilton Opera Hà Nội, In Trần Phú, khách sạn 4 sao Century (Huế), Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng Công ty Vinamotor, Công ty Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam...

Đặc biệt, mới đây bà Nga đã chính thức trở thành chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tổng Công ty Thương Mại Hà Nội (Hapro), đơn vị đang sở hữu khá nhiều các lô đất vàng tại Hà Nội như lô đất số 19-21 Đinh Tiên Hoàng (diện tích 280m2), nhà số 1 Điện Biên Phủ (500m2); nhà số 135 Lương Đình Của (1.843m2); địa chỉ C12 Thanh Xuân Bắc (1.780m2), lô đất D2 Giảng Võ (1.230m2), tổ hợp thương mại văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh (2.933m2), văn phòng 15 tầng số 11B Cát Linh (2.933m2), tòa nhà số 362 Phố Huế, dự án trung tâm thương mại văn phòng số 5 Lê Duẩn (1.624m2), Trung tâm kinh doanh chợ Thượng Đình (3.108m2)...

Tất nhiên, ngồi trên đống tài sản lớn như thế và giải bài toán hiệu quả kinh doanh cho chúng là một thách thức không hề nhỏ. Đó có thể là lý do vì sao nữ tướng Nguyễn Thị Nga tạm thời rời Ngân hàng để dồn toàn lực cho mảng du lịch và bất động sản.