Thứ Năm | 23/08/2012 15:18

"Sẽ xử lý nghiêm các giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng bất hợp pháp"

Thống đốc thừa nhận tại một số ngân hàng có phát sinh tình trạng một số nhóm cổ đông liên kết với nhau để quản lý, điều hành ngân hàng.
Trả lời đại biểu Huỳnh Thành - đoàn Gia Lai về vấn đề mua cổ phiếu “chui” của một vài ngân hàng thương mại và giải pháp xử lý của Ngân hàng Nhà nước nhằm thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn (sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên), chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông lớn trở thành cổ đông thường và ngược lại của tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Do vậy, việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông phải tuân thủ quy định này và Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét việc chuyển nhượng trên nguyên tắc đảm bảo hoạt động ổn định, lành mạnh của tổ chức tín dụng.

"Các giao dịch chuyển nhượng cổ phần không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận là vi phạm Luật. Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm theo quy định hiện hành nếu phát hiện các giao dịch chuyển nhượng cổ phần bất hợp pháp", Thống đốc khẳng định.

Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, đoàn Hậu Giang, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay, trên thực tế, tại một số ngân hàng có phát sinh tình trạng một số nhóm cổ đông liên kết với nhau để quản lý, điều hành ngân hàng.

Để khắc phục tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước đang tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý thông qua công tác thanh tra, giám sát ngân hàng và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, theo Thống đốc, để đảm bảo sự ổn định, an toàn, lành mạnh hoạt động của tổ chức tín dụng, Luật các tổ chức tín dụng cũng quy định hạn chế chuyển nhượng đối với các cổ đông là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc của tổ chức tín dụng trong thời gian đảm nhiệm chức vụ.

Cơ cấu sở hữu của tổ chức tín dụng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tổ chức đó, do vậy, một trong các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 là cơ cấu lại sở hữu, tăng tính đại chúng, minh bạch của các tổ chức tín dụng, hạn chế sự thao túng, chi phối của cổ đông lớn đối với ngân hàng.

Thực tế, trong giai đoạn cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém vừa qua, Ngân hàng Nhà nước rất chú trọng công tác thẩm định năng lực tài chính, cơ cấu sở hữu của các nhà đầu tư mới tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định sở hữu cổ phần, cổ phiếu để đảm bảo cho các tổ chức tín dụng này hoạt động an toàn, lành mạnh sau khi cơ cấu lại, Thống đốc cho biết.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai khẩn trương, thận trọng, đúng lộ trình và giám sát chặt chẽ quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, trong đó có vấn đề sở hữu cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng.

Nguồn Khampha


Sự kiện