"Sẽ thu hồi 30-40% diện tích nông lâm trường quốc doanh"
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, những doanh nghiệp đang quản lý và sử dụng đất có hiệu quả sẽ được giữ lại để tái cơ cấu, còn những diện tích đất sử dụng không hiệu quả, có tranh chấp sẽ giao lại cho địa phương quản lý theo hướng: ưu tiên giải quyết đất đai cho bà con dân tộc tại chỗ, giao và cho thuê những hộ làm ăn hiệu quả, lâu dài, cho các DN dân doanh thuê lại để sản xuất kinh doanh.
Trả lời câu hỏi liệu có giải thể những nông, lâm trường quốc doanh không hiệu quả, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.Theo đó, Nghị định đưa ra những tiêu chí rất rõ ràng trong sắp xếp lại các nông, lâm trường quốc doanh.
"Theo đánh giá sơ bộ, hiện có khoảng 30-40% nông lâm trường quốc doanh hoạt động không hiệu quả, thua lỗ cần được thu hồi. Rất có thể, Nhà nước chỉ giữ lại 30% công ty nông, lâm nghiệp dưới dạng Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Các công ty nhỏ, làm ăn kém hiệu quả trong 3 năm qua sẽ giải thể. Các công ty còn lại sẽ cổ phần hóa, nhà nước chỉ giữ một phần vốn điều lệ hoặc thoái vốn hoàn toàn".
Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến cuối năm, từ nay đến cuối năm, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, công ty con, các địa phương phải xây dựng kế hoạch triển khai việc sắp xếp lại.
Theo Bộ NN&PTNT, Nhà nước sẽ không giữ cỏ phần chi phối hoặc sẽ thoái hết vốn tại các công ty trồng cây công nghiệp ngắn ngày, công ty chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, giống cây nông nghiệp, công ty lâm nghiệp sản xuất giống cây lâm nghiệp... Bên canh đó, sẽ giải thể các công ty kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, các công ty dang khoán rắng, không quản lý được đất đai và sản phẩm.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện cả nước có319 công ty nông lâm, nghiệp đã được sắp xếp lại, với tổng diện tích hơn 2,78 triệu ha, không kể các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Trong đó có 203 đơn vị do địa phương quản lý,116 đơn vị do Trung ương quản lý.
Đáng lưu ý, trong số 319 công ty, chỉ mới 74 công ty là chuyển sang thuê đất theo quy định của Luật đất đai với diện tích chỉ 460 ha, chiếm 16,5% tổng diện tích đang sử dụng. Phần đất đai còn lại đang được sử dụng dưới hình thức nhà nước giao đất, không thu tiền sử dụng đất.
Tại Hội thảo về công nghệ cao gần đây, bà Thái Hương, Chủ tịch tập đoàn TH kiến nghị, nên đánh thu tiền thuê đất với tất cả doanh nghiệp, kể cả DN quốc doanh để tăng trách nhiệm sử dụng đất. Bên cạnh đó, nên thu hồi diện tích đất nông lâm trường sử dụng kém hiệu quả để giao cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư nông nghiệp công nghệ cao.
Phát biểu tại Hội nghị sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu phải quản lý bằng được đất đai, đất phải có chủ, có quy hoạch tổng thể gắn với việc quản lý, sử dụng, bảo vệ phát triển rừng, tiếp tục duy trì và hình thành vùng phát triển nông lâm nghiệp quy mô lớn.
Nguồn Báo Đầu Tư