Thứ Ba | 15/05/2012 23:04

Sẽ thu hẹp đối tượng được vay vốn nước ngoài

Theo dự thảo sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối, các đối tượng được vay nước ngoài sẽ không bao gồm tổ chức kinh tế không phải là doanh nghiệp và cá nhân.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối.

Dự thảo mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến có sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản nhằm phù hợp với các Luật, các quy định hiện hành và phù hợp chủ trương chống đô la hóa của Nhà nước.

Đáng chú ý, sửa đổi điều 17, Ngân hàng Nhà nước quy định "Người cư trú là doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện vay, trả nợ nước ngoài theo nguyên tắc tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ phù hợp với quy định của pháp luật.

So với quy định tại Pháp lệnh đang áp dụng, dự thảo đã thay từ "tổ chức kinh tế" bằng "doanh nghiệp" và bỏ đối tượng vay ngoại tệ nước ngoài là cá nhân.

Theo bản thuyết minh của Ngân hàng Nhà nước, quy định này đã thu hẹp đối tượng được vay vốn nước ngoài. Theo đó, tổ chức kinh tế không phải là doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp như hợp tác xã sẽ không được vay nước ngoài.

Các cá nhân cũng không được vay vốn nước ngoài. Bản thuyết minh của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trường hợp cá nhân thực hiện các dự án đầu tư hợp pháp cần huy động vốn vay nước ngoài, cá nhân có thể thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và thực hiện vay nước ngoài theo các quy định hiện hành về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Dự thảo cũng quy định, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo thuyết minh của Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua phát sinh rất nhiều trường hợp báo giá, định giá, ghi giá hàng hoá và dịch vụ trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại tệ. Tình trạng này làm phức tạp hoạt động ngoại hối, ảnh hưởng đến công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá và mục tiêu chống đôla hoá của Chính phủ. Đồng thời các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm vì chưa có quy định của pháp luật.

Vì vậy, nhằm thực hiện chủ trương chống đôla hoá của Chính phủ cần sửa đổi bổ sung các hành vi trên vào Pháp lệnh Ngoại hối.

Chi tiết dự thảo

Nguồn SBV


Sự kiện