Thứ Hai | 24/02/2014 09:48

Sẽ thêm loại hình doanh nghiệp lo chuyện xã hội

Lợi nhuận chỉ là mục tiêu trung gian để doanh nghiệp tái đầu tư tiếp tục phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội mà họ đã đặt ra.

Doanh nghiệp xã hội (DNXH) là một trong những điểm mới khác biệt được bổ sung trong dự luật DN sửa đổi đang được lấy ý kiến để trình Quốc hội trong tháng 5 tới (xin gọi tắt là dự luật). TS Nguyễn Đình Cung (ảnh), quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật này, cho biết sự khác biệt của DNXH với các DN khác nằm ở sứ mệnh hoạt động của nó, lợi nhuận không là mục tiêu cuối cùng.

Phóng viên: Thưa ông, đây là một loại hình DN khá mới mẻ, ông có thể nói rõ hơn về sự khác biệt này?

+ TS Nguyễn Đình Cung: DNXH được thành lập với sứ mệnh giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường được đặt ra. Như vậy việc tìm kiếm lợi nhuận không phải là mục tiêu cuối cùng của DNXH mà lợi nhuận chỉ là mục tiêu trung gian để DN lấy lợi nhuận đó tiếp tục phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội.

Ở nước ta, khái niệm DNXH gần như chưa có một văn bản pháp lý nào đề cập đến?

+ Đúng là hiện nay khái niệm DNXH chưa được đề cập trong một văn bản quy phạm pháp luật nào. Cách đây ba năm, tình cờ vào đúng thời kỳ khủng hoảng toàn cầu năm 2009 thì DNXH nổi lên như một biện pháp hỗ trợ giải quyết những vấn đề xã hội do khủng hoảng tạo ra. Và cũng chính thời điểm đó khái niệm DNXH du nhập vào ta. Chính phủ đã dần dần chú ý đến để thiết lập chính sách cho DNXH hoạt động.

Theo điều tra sơ bộ tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, hiện có khoảng vài trăm DNXH hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo nghề, chăm sóc các nhóm người yếu thế, giải quyết các vấn đề môi trường, xóa đói, giảm nghèo,…

Mục đích chính của DNXH là giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, y tế… chứ không phải vì lợi nhuận cao

Xây dựng hình hài đầu tiên cho DNXH

Đây có phải là lý do mà DNXH được quy định bổ sung trong dự luật DN sửa đổi lần này, thưa ông?

+ Khảo sát thực tế và tham vấn chính sách của chúng tôi cho thấy chủ sở hữu, người quản lý và các bên có liên quan đều mong muốn DNXH được quy định và thừa nhận về mặt pháp lý. Qua đó có thể có những chính sách phù hợp tạo thuận lợi và thúc đẩy phát triển DNXH ở nước ta. Mong muốn nói trên là chính đáng.

Vậy DNXH được quy định như thế nào trong dự luật DN sửa đổi?

+ Có ba điều đề cập đến DNXH là điều 11, 12, 13. Điều 11 quy định DNXH là DN được thành lập và hoạt động nhằm giải quyết một hoặc một số vấn đề xã hội và môi trường; ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DN được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký.

Hai điều 12 và 13 quy định những quyền và nghĩa vụ đặc thù của DNXH. Dựa trên những quyền và nghĩa vụ đó, chúng ta sẽ xây dựng những chính sách hỗ trợ cho họ thực hiện những quyền riêng đặc thù, đồng thời Nhà nước quản lý được để họ đảm bảo các nghĩa vụ quy định trong luật. Đó là hình hài đầu tiên của DNXH trong chính sách để thúc đẩy họ phát triển.

Cơ sở nào mà dự luật DN sửa đổi quy định ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DNXH được sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký?

+ Khi thành lập DNXH phải xác định được vấn đề xã hội cần giải quyết. Đây không phải là DN mục đích vì lợi nhuận mà mục đích chính là giải quyết các vấn đề xã hội họ đăng ký. Vì vậy phần lớn lợi nhuận của họ được sử dụng để tái đầu tư giải quyết vấn đề xã hội, môi trường đã đăng ký. Vì vậy ban soạn thảo lấy mức thấp nhất là 51% lợi nhuận để tái đầu tư. Tại sao không phải 100% vì phải tạo cơ hội cho những người khác cùng chia sẻ đầu tư để cùng phát triển DNXH. Chính tái đầu tư đó tạo ra sự khác biệt so với những DN khác.

Phát triển thị trường cho DNXH

DNXH ở nước ta còn mới như vậy liệu họ có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

+ Trước hết khó khăn của DNXH cũng tương tự các DN khác. Nhưng đặc thù riêng thị trường của các DNXH rất nhỏ và thường đi phục vụ nhu cầu của tầng lớp đáy xã hội có thu nhập không cao. Nên đòi hỏi của các DN này phải làm sao cạnh tranh được với các DN bình thường và phục vụ được nhu cầu của xã hội. Đặc biệt là về nguồn lực của DNXH không có khả năng huy động như là DN bình thường trong khi chi phí họ bỏ ra để làm là rất lớn…

Vậy Chính phủ cần hỗ trợ như thế nào đối với DNXH?

+ Hiện chưa đến lúc Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ trực tiếp như ưu đãi về thuế cho cái này, cái kia mà chỉ mới ở bước khởi đầu thừa nhận DNXH về mặt pháp lý và xã hội. Cách hỗ trợ DNXH chỉ nên phát triển thị trường cho họ hoạt động. Chính phủ là một người tiêu dùng rất lớn, nếu Chính phủ mua các sản phẩm của DNXH thì sẽ tạo cho họ một thị trường lớn.

Xin cảm ơn ông.

Thu Hằng

Nguồn Pháp luật TP. HCM


Sự kiện