Sẽ tái cơ cấu ngân hàng mạnh hơn
Tại nghị trường Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, đang diễn ra tại Hà Nội, một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là tái cơ cấu hệ thống NHTM. Đây là một trong ba trụ cột tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu thị trường tài chính – ngân hàng trong giai đoạn 2011 – 2015.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, lộ trình tái cơ cấu hệ thống NHTM đang được thực hiện đúng hướng, trong đó vấn đề nợ xấu tiếp tục được xử lý, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế Việt Nam. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) cũng đánh giá cao việc tái cơ cấu các TCTD mà ngành Ngân hàng đang thực hiện. Theo ông Vinh, hiện trong 3 trụ cột tái cấu trúc mà Chính phủ đặt ra thì, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện khá tích cực và thận trọng, không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng.
“Bằng các giải pháp hợp nhất, sáp nhập hoặc tự tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, về cơ bản, hoạt động ngân hàng đang đi vào quỹ đạo phát triển theo đúng hướng” – đại biểu Trần Ngọc Vinh nói về kết quả ban đầu quá trình tái cơ cấu các TCTD mà NHNN đã và đang thực hiện.
Theo một lãnh đạo của NHNN, qua việc tái cơ cấu, các TCTD đã quan tâm hơn đến đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị và rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại mạng lưới. Mức độ an toàn của các TCTD đã được cải thiện đáng kể, giảm bớt số lượng TCTD nhỏ, yếu kém. Đến nay, số lượng TCTD giảm đi 7 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể; thu hồi giấy phép 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 3 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã được chuyển đổi hình thức; Quỹ tín dụng nhân dân được chuyển đổi thành Ngân hàng Hợp tác xã…
Quá trình tái cơ cấu cũng hình thành trong hệ thống TCTD một số NHTM có quy mô lớn hơn, có khả năng cạnh tranh mạnh hơn, đặc biệt tăng cường được quy mô và mức độ chi phối của các NHTM Nhà nước trong hệ thống ngân hàng. Các TCTD tích cực cơ cấu lại hoạt động theo hướng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, thoái vốn đầu tư trong các lĩnh vực rủi ro, hiệu quả thấp.
Trong một văn bản trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) về nội dung câu hỏi NHNN sẽ tiếp tục triển khai tiến trình cơ cấu lại các TCTD theo hướng nào, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: NHNN đang tiếp tục đánh giá, phân loại và nhận diện nhóm các TCTD yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro trên cơ sở số liệu giám sát, kết quả thanh tra và kiểm toán độc lập để có các biện pháp cơ cấu lại phù hợp, kịp thời.
Đồng thời, giám sát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các TCTD đã được phê duyệt Phương án cơ cấu lại, đảm bảo thực hiện theo đúng lộ trình, mục tiêu và các giải pháp đã được phê duyệt. NHNN sẽ kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai để hỗ trợ TCTD cơ cấu lại. Chỉ đạo các TCTD triển khai cơ cấu lại theo đúng mục tiêu, lộ trình đã đề ra. Kiên quyết áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để triển khai thành công Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015.
Bên cạnh đó, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, NHNN sẽ chỉ đạo tiếp tục thực hiện cơ cấu lại tài chính của TCTD, tăng quy mô, chất lượng vốn tự có của TCTD. Tập trung củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính và loại bỏ các lĩnh vực kinh doanh rủi ro, kém hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ ngân hàng. Kiểm soát quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, phù hợp với năng lực quản trị và tài chính của TCTD. Xây dựng thể chế hỗ trợ cơ cấu lại, xử lý nợ xấu và hoàn thiện các thiết chế an toàn hoạt động ngân hàng. Cùng với đó là phối hợp và triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD”…
Như vậy, có thể khẳng định, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Sẽ có những cái tên ngân hàng không còn trên thị trường, nhưng chúng ta sẽ có những tổ chức lớn hơn, mạnh hơn cả về quy mô và trình độ quản trị điều hành.
Nguồn Thời báo Ngân hàng