Sẽ phát triển 117 đô thị hiện đại trên vùng Tây Nguyên
Đây được xác định là khu vực có chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia với tổng diện tích tự nhiên hơn 54,6 nghìn km2, quy hoạch phát triển đến năm 2030.
Theo dự báo của quy hoạch, đến năm 2020 quy mô dân số toàn vùng khoảng hơn 6,2 triệu người; trong đó dân đô thị khoảng hơn 2 triệu người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 33,5%.
Đến năm 2030, dự kiến Tây Nguyên sẽ có gần 7,4 triệu người, dân đô thị khoảng hơn 3 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40,7%.
Về định hướng phát triển không gian, vùng Tây Nguyên được phân ra thành các tiểu vùng và dải hành lang phát triển kinh tế.
Mỗi vùng không gian kinh tế được gắn với sự phát triển của các đô thị động lực trung tâm vùng, đô thị trung tâm các tiểu vùng và đô thị nhỏ có chức năng dịch vụ tổng hợp.
Trong đó, đáng chú ý là các dải hành lang phát triển kinh tế - đô thị, tạo nên mạng lưới 117 đô thị trên toàn vùng Tây Nguyên.
Dự kiến đến năm 2020, vùng Tây Nguyên sẽ có 89 đô thị trên cơ sở nâng cấp, mở rộng 62 đô thị hiện có và hình thành 27 đô thị mới.
Trong đó, có 3 đô thị loại I, 2 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 15 đô thị loại IV và 66 đô thị loại V. Đến năm 2030, Tây Nguyên sẽ có 117 đô thị; trong đó có 3 đô thị loại I, 3 đô thị loại II, 7 đô thị loại III, 21 đô thị loại IV và 83 đô thị loại V.
Về hệ thống cửa khẩu và khu kinh tế, đến năm 2030 vùng sẽ xây dựng 10 cửa khẩu trong đó có 4 cửa khẩu quốc tế là: Bờ Y (Kon Tum), Lệ Thanh (Gia Lai), Bu Prăng (Đăk Nông), Đăk Ruê (Đăk Lawk); 1 cửa khẩu quốc gia là Đăk Per (Đăk Nông) và 5 cửa khẩu phụ.
Đặc biệt sẽ xây dựng các cặp chợ đường biên cho nhân dân khu vực giáp biên giới.
Đẩy mạnh phát triển khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y và khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tạo thành những khu có vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia.
Dự kiến đến 2030, sẽ xây dựng 24 khu công nghiệp và 74 cụm công nghiệp trên toàn vùng Tây Nguyên, tiêu chí mỗi huyện sẽ hình thành từ 1 – 2 cụm hoặc điểm công nghiệp quy mô 20 – 50ha.
Vùng Tây Nguyên theo quy hoạch mới sẽ bao gồm các dải hành lang kinh tế phía Đông tập trung phát triển kinh tế nông lâm sản và phát triển du lịch sinh thái.
Dải kinh tế trung tâm gồm cao nguyên Kon Tum, Pleiku và Đăk Lăk, nằm dọc hai bên đường Hồ Chí Minh, phát triển các đô thị lớn, nhỏ, các khu – cụm công nghiệp lớn gắn với đô thị và vùng nguyên liệu, các đầu mối giao thông liên vùng; phát triển các trung tâm thương mại, trung chuyển hàng hóa…
Dải hàng lang kinh tế phía Tây, trọng tâm phát triển công nghiệp khai thác chế biến: Bauxit, luyện nhôm và thủy điện.
Khu vực dọc biên giới sẽ hình thành các đô thị vừa và nhỏ, các khu kinh tế quốc phòng gắn với hệ thống cửa khẩu và chợ đường biên…
Đặc biệt, sẽ hình thành vùng kinh tế - đô thị Nam Tây Nguyên (tỉnh Lâm Đồng). Đây là khu vực kinh tế tổng hợp gồm: Vùng nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng; trung tâm nghiên cứu hạt nhân, sinh học cấp quốc gia…
Phát triển các khu và cụm công nghiệp lớn gắn với đô thị Liên Nghĩa – Liên Khương, Bảo Lộc và các đầu mối giao thông liên vùng, vùng nguyên liệu.
Trọng tâm khu vực này là sản xuất công nghiệp chế biến, khai thác, xây dựng trung tâm logistic tại đô thị lớn, đầu mối giao thông đa phương tiện và vùng phát triển các công trình thủy điện quan trọng.
Nguồn Bizlive