Sẽ lập mạng lưới mua bán vàng miếng
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý thị trường vàng như thế nào, thưa ông?
Trước khi nói đến quan điểm quản lý, cần nhìn lại thị trường vàng trước đây. Cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 174 ban hành năm 1999 đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Thứ nhất, Nghị định 174 không có các quy định kiểm soát thị trường vàng miếng. Vàng miếng được coi là hàng hóa thông thường. Do đó, khi giá vàng thế giới biến động mạnh, nhiều đối tượng đã đầu cơ, làm giá, gây khan cung giả tạo, đồng thời tung tin tạo cơn sốt vàng. Rõ ràng, việc quản lý vàng miếng như hàng hóa bình thường đã ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ, vì một lượng lớn ngoại tệ được thu gom để nhập lậu vàng.
Thứ hai, Nghị định 174 không quy định cụ thể chức năng của các cơ quan quản lý, dẫn đến thị trường vàng miếng bị bỏ ngỏ. Đó là lý do Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ ban hành Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng. Theo đó, cho phép tổ chức sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng trong nước, nâng cao vai trò quản lý thị trường vàng của Nhà nước, nhằm ngăn chặn tình trạng vàng hóa. Bên cạnh đó là áp dụng các biện pháp hữu hiệu để huy động vàng trong dân nhằm phát triển kinh tế xã hội.
Đối với vàng miếng, quan điểm quản lý của Ngân hàng Nhà nước như thế nào?
Nghị định 24 quy định một số chức năng của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, có việc độc quyền xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Cơ quan này cấp phép cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Trước đây, có 8 đơn vị được cấp phép để sản xuất vàng miếng. Nhưng theo Nghị định 24 thì chỉ Ngân hàng Nhà nước được độc quyền sản xuất.
Việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng liệu có trái với kinh tế thị trường?
Chúng ta phải xác định vàng miếng không phải hàng hóa thông thường mà giống tiền tệ nhiều hơn. Vàng được sử dụng tương đối phổ biến trong các giao dịch. Với tính năng đặc biệt như vậy, việc quản lý vàng miếng phải khác với hàng hóa thông thường.
Còn về độc quyền thì đây là độc quyền của Nhà nước trong sản xuất vàng miếng, chứ không phải Công ty SJC độc quyền. Kể từ 25/11, tất cả các doanh nghiệp dập vàng miếng đều phải ngừng sản xuất. SJC cũng chỉ dập khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép về thời điểm, khối lượng và nguyên liệu. Tất cả các khuôn, máy của SJC đều được niêm phong giám sát.
Các doanh nghiệp được cấp phép sản xuất vàng miếng trước đây nay đã tự nguyện chuyển máy dập về Ngân hàng Nhà nước để lưu kho, trong đó có 5 doanh nghiệp ở TPHCM, 1 ở Hà Nội và 1 ở Tiền Giang.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã hơn 3 triệu đồng/lượng. Ông có e ngại về việc nhập lậu vàng?
Trước đây, khi giá vàng tăng cao, đã xuất hiện tình trạng thu gom ngoại tệ để nhập khẩu vàng, tác động xấu đến tỉ giá. Tuy nhiên, khi Nghị định 24 được ban hành, cùng với Nghị định 95 về xử phạt đối với vi phạm trong hoạt động ngân hàng, trong đó có hoạt động kinh doanh vàng thì việc nhập lậu vàng không còn. Từ biên giới nhập lậu vào thì sẽ phải chịu mức phạt rất cao, có thể bị tịch thu tang vật.
Với việc Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, các đối tượng buôn lậu cũng không có máy dập, nên không thể dập thành vàng miếng để buôn bán.
Có một vấn đề nhiều người quan tâm là Ngân hàng Nhà nước có kiên định với mục tiêu đề ra hay không?
Mục tiêu xuyên suốt không chỉ của Ngân hàng Nhà nước mà còn của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô và tiền đồng. Đối với thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện kế hoạch 3 bước: tạo khuôn khổ pháp lý quản lý thị trường vàng; chuyển quan hệ cho vay sang quan hệ mua bán; chuyển hóa phần lớn lượng vàng trong xã hội thành vốn phát triển kinh tế xã hội.
Các biện pháp cụ thể sẽ như thế nào?
Sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức lại thị trường vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước bước đầu đã thực hiện độc quyền vàng miếng. Bước tiếp theo là tổ chức mạng lưới mua bán vàng miếng. Trên cơ sở mạng lưới mới được cấp phép, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia thị trường với vai trò kiến tạo thị trường, là người mua bán cuối cùng.
Mục tiêu đặt ra là một khi thị trường vàng đã hoạt động ổn định thì sẽ không tác động bất lợi đến nền kinh tế. Nhìn xa hơn, một khi tình hình kinh tế được ổn định, giá trị tiền đồng được củng cố, nhiều người nắm giữ vàng có thể cũng sẽ thay đổi quan điểm, đó là đổi vàng ra tiền đồng.
Ngân hàng Nhà nước dự báo thế nào về tỉ giá cuối năm nay?
Chúng ta đã rất thành công với thị trường ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước đã mua được một lượng khá lớn ngoại tệ. Lượng kiều hối đang được chuyển về nhiều hơn các quý khác trong năm. Vì thế, có thể dự báo thị trường ngoại tệ sẽ tiếp tục ổn định.
Nguồn Nhịp cầu đầu tư