Sẽ không có hiện tượng sốt giá đường trong ngắn hạn
Cơ quan này cũng đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương nên trình Chính phủ cho nhập khẩu tối đa 70.000 tấn đường theo hạn ngạch thuế quan với thuế suất theo đúng cam kết WTO bằng hình thức đấu thầu quota nhập khẩu.
Giá đường trên thị trường giảm mạnh trong những tháng qua, các nhà máy đường bán ra cũng rất chậm. Cụ thể tại Đồng bằng sông Cửu Long là 16.000 đồng/kg, giá bán buôn có VAT tại nhà máy hiện nay là dưới 16.000 đồng/kg, thấp hơn tháng trước trên 1.000 đồng/kg.
Ước tính lượng đường tồn kho đến ngày 30/7 vừa qua khoảng trên 212.000 tấn. Từ tháng 10 tới đây, một số nhà máy đường sẽ vào vụ và nguồn cung từ sản xuất trong nước sẽ được bổ sung.
Dự kiến nguồn cung từ sản xuất trong nước đến cuối năm nay sẽ là trên 612.000 tấn (chưa kể đường nhập lậu và gian lận thương mại). Về lý thuyết, nhu cầu tiêu thụ đường trong năm nay trong khoảng 1.300.000 đến 1.350.000 tấn thì bình quân mỗi tháng tiêu thụ khoảng 110.000 tấn nhưng trong thực tế lượng đường tiêu thụ trong tháng Sáu vừa qua chỉ là 68.046 tấn và tháng Bảy chỉ là 88.224 tấn dù đã là tháng cận trung thu.
Nguyên nhân được cho là do sức mua của nền kinh tế giảm do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, cùng với đó, đường nhập lậu và gian lận thương mại đã chiếm một thị phần không nhỏ.
Hiệp hội Mía-Đường Việt Nam kiến nghị cần có biện pháp chống buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường triệt để và có hiệu quả, nhằm bảo vệ sự ổn định sản xuất, bảo vệ nông dân trồng mía.
Nguồn Vietnam+