Thứ Ba | 06/11/2012 09:27

Sẽ khống chế mức phí hoa hồng xăng dầu tối đa

Bộ Tài chính dự kiến khống chế mức “trần” thù lao này không được vượt quá 50% chi phí kinh doanh.
Sau nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo mới nhất Thông tư hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu của Bộ Tài chính thay thế Thông tư 234/2009 vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện.

Điều chỉnh phí hoa hồng linh hoạt theo từng thời điểm

Theo cơ chế hiện hành, chi phí kinh doanh định mức (chi phí lưu thông xăng dầu) quy định “cứng” 600 đồng/lít đối với xăng, dầu diezen, dầu hỏa và 400 đồng/kg đối với dầu madut bán buôn.

Tại dự thảo mới, thay vì đưa ra con số tuyệt đối, Bộ Tài chính sẽ ra thông báo điều chỉnh khoản chi phí này linh hoạt theo từng thời điểm.

Trong đó, thù lao đại lý vẫn sẽ theo cơ chế tự thỏa thuận như cũ nhưng Bộ Tài chính dự kiến khống chế mức “trần” thù lao này không được vượt quá 50% chi phí kinh doanh.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc khống chế mức trần phí hoa hồng này là khá hợp lý, nhất là trong bối cảnh vừa qua có hiện tượng “loạn phí hoa hồng”.

Đồng tình với cơ chế áp mức phí trần nhưng Bộ Công Thương cho rằng, giải pháp này là chưa đủ. Bộ Tài chính cần quy định thêm mức thù lao tối thiểu, ví dụ như có thể bằng 30% mức chi phí kinh doanh định mức.

Vì trái ngược với cảnh chạy đua tăng phí hoa hồng, thị trường xăng dầu Việt Nam còn diễn ra hiện tượng phổ biến là “ép” phí hoa hồng quá thấp, có lúc chỉ 50-100 đồng/lít khi giá thế giới căng thẳng.

Đáng tiếc là, dự thảo mới của Bộ Tài chính vẫn chưa nêu rõ mức các nguyên tắc tính toán, điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu. Bộ Công Thương đã kiến nghị cần minh bạch rõ vấn đề này. Kể cả thời điểm công bố cũng cần cụ thể hơn, như định kỳ vào tháng đầu tiên của năm, hoặc vào quý I hàng năm.

Một vị chuyên gia lâu năm trong ngành này góp ý, cách tính minh bạch nhất là nên dựa theo tỷ lệ lạm phát hàng năm. Trên cơ sở mức phí kinh doanh xăng dầu hiện hành là 600 đồng/lít (riêng madut bán buôn là 400 đồng/kg), hoặc mức phí khoảng 860 đồng/lít như Bộ Tài chính từng dự kiến, Bộ có thể áp dụng nguyên tắc cộng trượt giá, như năm 2011 tính thêm hơn 18% tỷ lệ lạm phát… để ra số phí áp dụng trong năm tiếp theo.

Minh bạch quỹ bình ổn

Liên quan tới Quỹ bình ổn giá xăng dầu, điểm tích cực nhất trong dự thảo mới là Bộ Tài chính đã đưa ra một kịch bản trích lập, sử dụng Quỹ minh bạch hơn.

Chẳng hạn như, nếu cơ chế hiện hành không quy định rõ việc trích Quỹ thì ở dự thảo mới, một cơ chế trích lập theo thị trường đã được bổ sung.

Theo đó, nếu các yếu tố đầu vào biến động làm giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành 12% hoặc việc tăng giá xăng dầu gây bất lợi cho tình hình kinh tế xã hội, Liên Bộ Tài chính- Công Thương sẽ giảm mức trích Quỹ dưới 300 đồng/lít hoặc ra yêu cầu ngừng trích Quỹ. Sau đó, nếu giá cơ sở giảm, việc trích Quỹ sẽ được khôi phục.

Các kịch bản sử dụng Quỹ bình ổn cơ bản vẫn được giữ nguyên. Nếu biến động giá cơ sở tăng so với giá bán lẻ từ 7%- 12%, doanh nghiệp được tăng giá 7% tương ứng cộng với 60% chênh lệch tăng giá trong khoảng còn lại từ 7-12%, phần 40% còn lại của khoảng chênh lệnh này sẽ được bù đắp từ Quỹ bình ổn.

Nếu như biến động giá cơ sở tăng quá 12%, doanh nghiệp vẫn điều chỉnh giá như trên nhưng phần chênh lệch phát sinh còn lại sẽ không dựa vào một mình Quỹ bình ổn. Khi đó, Liên Bộ Tài chính- Công Thương sẽ áp dụng phối hợp các công cụ tài chính thích hợp như thuế, Quỹ để bình ổn giá.

Đặc biệt, về số dư Quỹ, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải có trách nhiệm tính lãi suất Quỹ theo lãi suất ngân hàng thương mại, kỳ hạn 1 tháng kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.

Trong trường hợp số dư Quỹ không còn nhưng Liên Bộ yêu cầu phải “xả” Quỹ, tức vận hành “Quỹ âm”, các doanh nghiệp sẽ được bù đắp bằng mức lãi suất cho vay bằng mức lãi suất Ngân hàng áp dụng kỳ hạn 1 tháng. Phần chênh lệch Quỹ bị âm sẽ được bù đắp từ số tiền trích Quỹ trong thời gian sau.

Như vậy có thể hiểu, vấn đề “Quỹ âm” vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận việc sử dụng Quỹ âm là bất hợp lý, cần phải sửa đổi.

Bộ Công Thương cũng cho rằng, chỉ nên sử dụng Quỹ bình ổn trong trường hợp Quỹ dương. Bởi lẽ, đây là Quỹ cho người dân đóng góp để sử dụng vào mục đích bình ổn. Khi Quỹ bị âm, tức là Quỹ không còn mà vẫn tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp sử dụng Quỹ thì đồng nghĩa, doanh nghiệp phải bỏ vốn kinh doanh ra để bù đắp “xả Quỹ”.

Như vậy, việc điều hành này sẽ không đúng với bản chất Quỹ bình ổn giá do người dân đóng góp, lại làm gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh vốn lưu động phải vay từ ngân hàng.

Bộ này cũng cho rằng, quy mô Quỹ phải được khống chế. Khi Quỹ đạt quy mô cần thiết để bình ổn trong một khoảng thời gian nhất định, việc trích Quỹ cần ngưng lại, tránh gánh nặng cho người tiêu dùng.

Nguồn Vietnamnet


Sự kiện