Thứ Tư | 19/12/2012 12:15

Sẽ hình thành các tập đoàn thương mại mạnh

Bên cạnh đó, tập trung tạo điều kiện để doanh nghiệp lớn tổ chức kinh doanh theo chuỗi nhằm phát triển thị trường trong nước.
Theo báo cáo tham luận về cung cầu hàng hóa nội địa tại một hội thảo của Bộ Công thương sáng ngày 19/12, một số doanh nghiệp trong nước đã tổ chức kinh doanh theo hình thức "chuỗi", bên cạnh sự phát triển mạng lưới phân phối truyền thống.

Quá trình thành lập, kéo dài chuỗi vẫn đang có xu hướng phát triển, sử dụng phương thức nhượng quyền thương mại để mở rộng mạng lưới bán hàng, khai thác và kết hợp nguồn lực của nhiều loại doanh nghiệp nhỏ trở thành hệ thống có quy mô lớn và có trình độ tổ chức cao đang ngày càng phát triển.

Một số doanh nghiệp đã thiết lập được hệ thống phân phối mang tính chuyên nghiệp cao, gắn kết chặt chẽ giữa các khâu trên cơ sở phân chia thị trường theo khu vực địa lý, có các kho hàng bán buôn, các trung tâm logistics kèm theo các chương trình tiếp thị, phát triển thương hiệu... cho toàn hệ thống.

Tuy nhiên, thực tế sự phát triển của các doanh nghiệp thương mại chưa mạnh mẽ với số lượng các doanh nghiệp thương mại nhỏ, số vốn ít, thiếu kinh nghiệm và năng suất thấp. Năng lực cạnh tranh và điều kiện để hợp tác hiệu quả với các tập đoàn phân phối nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hệ thống liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp - tiêu thụ nông sản chưa bền vững, chưa lan tỏa.

Trong số những giải pháp để phát triển thị trường nội địa cho hàng Việt Nam, Vụ thị trường trong nước - Bộ Công thương cho biết, thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh, đặc biệt là các hợp tác xã thương mại.

Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp lớn tổ chức kinh doanh theo chuỗi, hình thành và phát triển các tập đoàn thương mại mạnh, có đủ sức cạnh tranh và điều kiện để hợp tác hiệu quả với các tập đoàn phân phối nước ngoài khi Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ phân phối.

Trong đó, chú trọng các doanh nghiệp hiện đã phát triển được hệ thống của mình như Liên hiệp hợp tác xã và thương mại TPHCM, Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro), Tập đoàn Phú Thái, hệ thống siêu thị VINATEX thuộc Tập đoàn dệt may Việt Nam...

Năm 2012, mặc dù kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do sức mua kém, cầu yếu, hàng tồn kho khá cao, thị trường trong nước vẫn tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ 11 tháng đầu năm đạt 2.117,9 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ tiếp tục tăng 6,4 - 6,8%, tăng cao hơn mức tăng trưởng GDP.Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội cả năm 2012 tăng 18% so với năm 2011, ước đạt 2.550 nghìn tỷ đồng.

Nguồn Khampha


Sự kiện