Sẽ giảm 4.000 tỷ đồng khi thực hiện giảm thuế cho DN
Đây là con số ước tính của Chính phủ khi đánh giá về tác động tới nguồn thu ngân sách khi thực hiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều tại các Luật về thuế.
“Ước tính tổng số thuế hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp năm 2015 khoảng 3.900 - 4.000 tỷ đồng và mỗi năm tăng chi khoảng 1.300 tỷ đồng từ Quỹ hoàn thuế để thực hiện hoàn thuế GTGT” – Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sáng 3/11.
Cụ thế, về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), qua tính toán cho thấy dự kiến giảm thu ngân sách khoảng 2.700 tỷ đồng, trong đó số giảm: do bổ sung quy định nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN khoảng 1.800 tỷ đồng; do bổ sung chính sách ưu đãi đối với CNHT khoảng 400 tỷ đồng; do không thu thuế trùng đối với phần thu nhập của doanh nghiệp chuyển về Việt Nam của các dự án do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trước mắt giảm khoảng 20-30 tỷ đồng; do bổ sung quy định áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp khoảng 300 tỷ đồng; do bỏ quy định khống chế chi phí được trừ đối với chi quảng cáo, khuyến mại ... khoảng 160 tỷ đồng.
Về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), theo tính toán dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 270 tỷ đồng, trong đó khoảng 20 tỷ là hỗ trợ cho cá nhân là lao động Việt Nam làm thuyền viên làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài hoặc hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế; 50 tỷ đồng do miễn thuế TNCN đối với thu nhập của chủ tàu từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động khai thác thủy sản xa bờ và khoảng 200 tỷ đồng do bỏ quy định thu thuế TNCN đối với cá nhân trúng thưởng trong casino, tuy nhiên cùng với điều chỉnh thuế TTĐB, năm 2015 sẽ tăng thu khoảng 571 tỷ đồng.
Dự kiến hàng năm sử dụng khoảng 175 tỷ đồng/năm từ việc hoàn thuế GTGT của tàu dùng để khai thác thủy sản xa bờ, khoảng 800 tỷ đồng/năm để hoàn thuế cho hàng hoá mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và khoảng 300 tỷ đồng hoàn thuế do bổ sung thức ăn chăn nuôi vào đối tượng không chịu thuế GTGT và giảm thu ngân sách khoảng 900-1.000 tỷ đồng/năm do thực hiện không thu thuế GTGT đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi, phân bón.
Về không thu thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho nông, lâm, ngư, diêm nghiệp: việc sửa đổi không tác động đến thu ngân sách nhà nước.
Về xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 01/7/2013: dự kiến số tiền phạt chậm nộp được xử lý khoảng 4.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc giảm thu này chỉ xảy ra trong những năm đầu và sẽ tăng trong trung và dài hạn. Để đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, số thu ngân sách cũng sẽ được bù đắp bằng việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, kinh doanh casino tại dự thảo Luật thuế TTĐB trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Cụ thể, theo ước tính, năm 2015 tăng 571 tỷ đồng, năm 2016 tăng 2.773 tỷ đồng, năm 2017 tăng 4.395 tỷ đồng, năm 2018 tăng 6.436 tỷ đồng, năm 2019 tăng 9.312 tỷ đồng. Do đó, với các nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển từ đó tăng nguồn thu ngân sách trong trung và dài hạn. Đồng thời, Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế mới, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế; tăng cường quản lý giá đối với sản phẩm vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và tổ chức thực hiện thu đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản, nhất là đối với những mỏ đã và đang hoạt động (khoảng 1.300 tỷ/năm). Điều chỉnh giá bán khí theo giá thị trường để đảm bảo lợi ích của Nhà nước.
Theo VOV