Năm 2022, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai về nhập khẩu thủy sản Việt Nam với kim ngạch 1,6 tỉ USD. Ảnh: Alamy.

 
Gia Khánh Thứ Sáu | 10/03/2023 11:41

Sẽ có Trung tâm giao dịch thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc

Từ tháng 3/2023, thương mại nông thủy sản giữa 2 nước Trung – Việt sẽ khởi sắc khi nước này dần đẩy lùi được dịch COVID-19 và mở cửa thương mại.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bắt đầu có tín hiệu tích cực sau khi nước này mở cửa kinh tế. Trong tháng 2/2023, giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng 33% lên 122 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 158 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ. 

 

Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Quảng Tây (Trung Quốc)" vào ngày 8/3.

Tại diễn đàn, ông Tô Vạn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời là đại diện Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư Công nghiệp Đông Đằng cho biết bắt đầu từ tháng 3/2023, thương mại nông thủy sản giữa 2 nước Trung – Việt sẽ khởi sắc khi nước này dần đẩy lùi được dịch COVID-19 và mở cửa thương mại.

Chính quyền thành phố Phòng Thành Cảng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn 1 cỡ lớn, diện tích 600 mẫu, khả năng lưu trữ 200.000 tấn thủy hải sản. Kho lạnh giai đoạn 2 diện tích 1.000 mẫu, có thể lưu trữ 600.000 tấn thủy hải sản cũng đã khởi công.

Về phía Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết cộng đồng doanh nghiệp thủy sản rất coi trọng Trung Quốc bởi đây là thị trường có nhu cầu lớn. Năm 2022, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ 2 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam với kim ngạch 1,6 tỉ USD. 

 

Tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong việc đăng ký xuất khẩu thủy sản trên hệ thống thương mại một cửa (CIFER) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Theo chia sẻ của một số chủ doanh nghiệp thủy hải sản thời gian gần đây, khi đăng ký thủ tục hải quan điện tử cho các lô hàng xuất khẩu, doanh nghiệp liên tiếp bị phân luồng đỏ. Vì đặc thù hàng tươi sống, khi bị phân luồng đỏ sẽ dẫn tới việc kéo dài thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm cũng như uy tín với khách hàng. Điều này gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp nói riêng và uy tín của ngành hàng thủy sản Việt Nam nói chung.

Nhiều ý kiến khác cũng phản ánh việc xử lý, phê duyệt hồ sơ đăng ký trên CIFER và phê duyệt hồ sơ đăng ký bổ sung cơ sở bao gói thủy sản sống của phía Trung Quốc thường chậm. Phía Trung Quốc cũng chậm phản hồi đối với hồ sơ đăng ký bổ sung sản phẩm của Việt Nam. Trong đó, một số doanh nghiệp cho biết chưa kịp thời bố trí nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn.

 

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, từ ngày 13/2, SPS Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan thẩm quyền, trao đổi để đẩy nhanh tốc độ phê duyệt hồ sơ. Bên cạnh đó, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường cũng đề nghị doanh nghiệp nên ưu tiên nguồn lực để triển khai việc đăng ký trên CIFER, đặc biệt là đăng ký gia hạn. Đồng thời lưu ý khẩn trương thực hiện đăng ký gia hạn xuất khẩu theo quy định của GACC để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, hạn chế các ách tắc thương mại. 

Có thể bạn quan tâm: 

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5%

Nguồn Tổng hợp