Thứ Hai | 12/10/2015 10:43

Sẽ có thị trường mua bán nợ công khai

Nợ xấu giảm nhanh chóng từ 17% cuối tháng 9/2012 về còn 3% (9/2015), cho thấy triển vọng mới trong tiến độ xử lý nợ của các ngân hàng và VAMC.

Thưa ông, rất nhiều chuyên gia đặt câu hỏi tại sao VAMC và các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể đưa tỷ lệ nợ xấu nhanh chóng về mức 3% theo đúng kế hoạch đề ra?

Theo yêu cầu từ NHNN, ngay từ đầu năm, VAMC và các TCTD đã đưa ra kế hoạch phải đưa nợ xấu về 3% trước 30/9 và xác định rõ quá trình xử lý nợ xấu phải đảm bảo theo đúng tiến độ đề ra.

Trong năm 2015, VAMC đã xây dựng được kế hoạch, phương án thu mua nợ xấu, phát hành trái phiếu đặc biệt để đưa nợ xấu về mức 3%. Đến nay tốc độ xử lý nợ xấu về cơ bản đã hoàn thành, đến cuối tháng 9/2015, VAMC đã hoàn thành vượt chỉ tiêu khi mua nợ xấu.

VAMC đã báo cáo NHNN phát hành thêm 20 nghìn tỷ trái phiếu. Dự báo cuối năm 2015, những đề xuất và phương án trên sẽ giúp VAMC vượt kế hoạch khoảng 13-15% và kế hoạch đưa nợ xấu của cả nước về mức 3% là hoàn toàn khả thi.

– Liệu có phải các TCTD đã ồ ạt bán nợ cho VAMC, thưa ông?

Không có chuyện đó! tất cả các ngân hàng mà bán ồ ạt thì VAMC cũng không đủ lực mua. Phần lớn nợ xấu được xử lý là do bản thân các ngân hàng tự xử lý nợ tích cực thông qua trích lập dự phòng rủi ro…

– Vậy trong năm 2016 kế hoạch mua bán nợ của VAMC sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

Trong năm 2016, bên cạnh việc tiếp tục thu mua nợ xấu, VAMC phải xem xét xử lý bán nợ xấu. Đây mới là vấn đề hết sức quan trọng vì từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua được hơn 224.869 tỷ đồng nợ gốc (tổng giá mua là 190.807 tỷ đồng) và 190 nghìn tỷ trái phiếu đã phát hành.

Nếu các DN không có khả năng phục hồi thì phải tìm mọi biện pháp xử lý. Công việc này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các TCTD, cần vận động khách hàng tự nguyện bàn giao, nếu chây ỳ, cố tình không trả nợ thì dứt khoản tiến hành xử lý, thu giữ, thậm chí là khởi kiện. Bên cạnh đó, VAMC cũng sẽ xem xét, đánh giá có thể chuyển nợ của khách hàng thành vốn góp.

– Thưa ông, có phải vấn đề khó khăn nhất đối với VAMC, đó là việc triển khai mua nợ xấu theo giá thị trường?

Đúng vậy. Tuy nhiên, để triển khai được thì còn liên quan đến nhiều vấn đề như tính pháp lý, xử lý như thế nào với khoản nợ xấu dưới giá… Bên cạnh đó, VN vẫn chưa có thị trường mua bán nợ nên người tham gia mua bán nợ không có nhiều ngoài các tổ chức tín dụng. Điều này đang trở nên cấp bách hơn do bản thân VAMC cũng chỉ có vốn điều lệ hữu hạn nên cần thị trường rộng mở hơn.

Hơn nữa, nhiều tổ chức quốc tế cũng có quan tâm đến việc mua nợ xấu của VN nhưng lại chưa có hành lang pháp lý cho việc mua bán này. Vì thế, nhiều tổ chức quốc tế đã đến làm việc nhưng chỉ mới dừng lại ở giai đoạn khảo sát, nghiên cứu mà chưa đi tới đặt vấn đề chính thức.

Năm 2016, chúng tôi hi vọng hành lang pháp lý cho VAMC được hoàn thiện và tiến độ xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh…

– Được biết, cuối năm nay VAMC sẽ ký thỏa thuận hợp tác với Cty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) để hình thành một thị trường mua bán nợ công khai và minh bạch, thưa ông?

VAMC và DATC đang kỳ vọng Chính phủ cũng sẽ sớm có các quy định cụ thể về loại hình kinh doanh mua bán nợ cũng như bàn luận để dẫn dắt thị trường mua bán nợ trong tương lai. DATC là Cty có kinh nghiệm hàng chục năm về tái cơ cấu DN, những khoản nợ đã mua. Sự hợp tác này tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm xử lý nợ xấu sao cho tốt hơn thông qua việc bán nợ, xử lý cơ cấu nợ và bản thân VAMC cũng cần cơ cấu nợ và tiến tới năm 2016 mua bán nợ theo giá thị trường.

Để hình thành thị trường mua bán nợ, công khai và minh bạch, theo tôi hai bên cần phối hợp chặt chẽ để xử lý nợ xấu cũng như đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các DN trong nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng sắp tới sẽ thành lập Hiệp hội mua bán nợ sau khi đã có thị trường…

– Xin cám ơn ông!

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp