Sẽ có thêm công cụ nhận diện công ty chứng khoán an toàn
Một năm triển khai Đề án tái cấu trúc CTCK đang bộc lộ nhiều khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án. Đâu là những cản trở chính, thưa ông?
Quá trình tái cấu trúc CTCK đang gặp nhiều khó khăn, bởi chính các CTCK phải tự tiến hành tái cấu trúc bằng các nguồn lực của mình, chứ không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Trong quá trình tái cấu trúc, việc xử lý các khoản nợ đọng tại CTCK gặp nhiều khó khăn, do một số công ty thua lỗ kéo dài, tình hình tài chính phức tạp, thậm chí có CTCK mất thanh khoản.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là vướng mắc về pháp lý, do giấy phép thành lập và hoạt động của CTCK đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Bởi vậy, không dễ để đóng cửa CTCK, vì làm như vậy sẽ đồng nghĩa với xóa sổ tư cách pháp nhân CTCK, gây ảnh hưởng tới việc giải quyết các khoản nợ giữa CTCK với khách hàng, cũng như các bên liên quan.
Nền tảng pháp lý quan trọng của quá trình tái cấu trúc CTCK là Thông tư 226/2010/TT-BTC. Sau một thời gian áp dụng, văn bản này bộc lộ một số hạn chế, cần điều chỉnh để mở đường cho việc đào thải sớm các CTCK yếu kém. Qua đó, tạo thuận lợi cho các CTCK hoạt động nghiêm túc, bài bản phát triển bền vững hơn.
Những vướng mắc đó được khắc phục như thế nào?
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 165/2012/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một điều của Thông tư 226/2010/TT-BTC và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12/2012 để khắc phục các vướng mắc đang tồn tại trong quá trình tái cấu trúc CTCK.
Trong dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK mà UBCK đã trình Bộ Tài chính xem xét ban hành, có bổ sung cơ chế đình chỉ hoạt động và đề ra thời gian dự phòng cho việc xử lý rút giấy phép hoạt động của CTCK. Trong thời gian bị đình chỉ hoạt động, gần như CTCK không còn kinh doanh, mà chỉ tập trung chuyển tài khoản khách hàng sang CTCK khác, xử lý các khoản nợ, tiến hành họp đại hội đồng cổ đông để thông qua kế hoạch giải thể, phá sản.
Tuy thời gian kiểm soát đặc biệt sẽ giảm từ 6 tháng xuống còn 4 tháng kể từ ngày 1/12 tới, nhưng để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu khối CTCK, sắp tới, có thể sẽ phải giảm tiếp thời gian kiểm soát đặc biệt xuống còn 1 tháng, thậm chí 10 ngày. Với giải pháp này, một khi CTCK bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, thì gần như ngừng hoạt động. Qua đó, sớm phát đi tín hiệu cho thị trường, NĐT nhận diện được các CTCK nào không đảm bảo an toàn tài chính, để có biện pháp phòng tránh rủi ro.
Bên cạnh đó, UBCK cũng vừa xây dựng xong 2 dự thảo quan trọng là Quy chế hướng dẫn thiết lập hệ thống và thực hiện quản trị rủi ro trong CTCK và Hệ thống cảnh báo sớm theo phương thức Camel. Cả hai văn bản này dự kiến ban hành trong năm nay, qua đó sẽ có thêm công cụ giúp cơ quan quản lý đánh giá, giám sát, phân loại CTCK chuẩn xác hơn, đồng thời giúp NĐT nhận diện "sức khỏe" của CTCK tốt hơn.
Theo ông, làm thế nào để NĐT nhận diện được CTCK hoạt động uy tín, lành mạnh?
Có khá nhiều kênh thông tin để NĐT có thể nhận diện được các CTCK nghiêm túc tuân thủ pháp lý, coi trọng quản trị rủi ro và giữ chữ tín với khách hàng. Thông qua các thông tin về xử lý, cảnh báo các CTCK vi phạm thường xuyên được cập nhật trên website của UBCK, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký, NĐT có thể phần nào "lọc" ra được các CTCK đáng tin cậy.
Thông tin trên báo cáo tài chính, báo cáo tỷ lệ an toàn vốn khả dụng cũng có thể cung cấp những tín hiệu về sức khỏe tài chính của CTCK. Để có thêm thông tin nhận diện các CTCK luôn đặt chữ tín, an toàn tài sản của khách hàng lên hàng đầu, NĐT cần theo dõi về mức độ minh bạch trong hoạt động, cũng như tính tuân thủ, chuyên nghiệp… của CTCK.
Cùng với việc tiếp tục hoàn chỉnh hơn hệ thống pháp lý phục vụ cho việc đánh giá, phân loại CTCK, cơ quan quản lý đang nỗ lực bổ sung các quy định mới theo hướng buộc CTCK cung cấp thông tin sâu về hoạt động cho cổ đông và thị trường.
Nguồn Đầu tư chứng khoán