Thứ Tư | 23/04/2014 12:05

Sẽ có nghị quyết về tái cơ cấu nợ cho Vinalines

Tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) DNNN, trong đó có Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) là vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Liên quan đến tái cơ cấu, CPH tại Vinalines, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, Trưởng ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinalines.

Ông có thể cho biết một số định hướng chính trong quá trình tái cơ cấu tại Vinalines?

Trong Đề án tái cơ cấu Vinalines đã được Chính phủ phê duyệt, ngoài việc thực hiện sắp xếp lại Vinalines theo hướng tập trung vào các ngành nghề chính (vận tải, dịch vụ, cảng biển) và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Vinalines còn phải thực hiện CPH các DN, tiến tới CPH công ty mẹ.

Trên tinh thần đó, Bộ GTVT đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án tái cơ cấu Vinalines, đồng thời Tổng công ty Vinalines cũng thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu.

Về CPH Vinalines, hiện nay đang tập trung để CPH các đơn vị thành viên, trước hết là các cảng biển. Tất cả các cảng biển lớn đều phải CPH, như Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn… Trong đó, ngoại trừ một số cảng lớn như Hải Phòng, Sài Gòn, các cảng biển còn lại Nhà nước không nhất thiết giữ cổ phần chi phối,

Tiến độ CPH Vinalines hiện nay như thế nào và nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia đầu tư vào Vinalines ở mức độ nào, thưa ông?

Năm 2014 sẽ tiến hành làm các bước xác định giá trị DN, xây dựng phương án CPH, trình Chính phủ phê duyệt. Hiện nay đang phải tiến hành xác định giá trị DN. Chúng tôi đang cố gắng để hoàn thiện các nội dung liên quan đến CPH công ty mẹ trong năm 2014, chậm nhất là quý I-2015 sẽ CPH xong.

Về tiến độ CPH, tất cả các đơn vị thành viên trong kế hoạch CPH 2014 sẽ phải CPH xong trong năm nay. Đến nay cơ bản đã xác định giá trị DN được 5 DN, các DN còn lại sẽ xác định giá trị DN từ nay cho đến hết tháng 6-2014 và tiến hành làm thủ tục CPH.

Trong quá trình CPH Vinalines, điều quan trọng là tập trung để tìm được các nhà đầu tư chiến lược, có thế mạnh về tài chính, về khai thác cảng biển và cho phép một số cảng biển được sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài làm cổ đông chiến lược với cổ phần có thể đạt đến 20% vốn điều lệ, tùy theo cơ cấu vốn điều lệ của DN và số lượng cổ phần phát hành lần đầu trên sàn chứng khoán.

Chủ trương đối với CPH công ty mẹ là Nhà nước không nhất thiết giữ cổ phần chi phối, ưu tiên cho nhà đầu tư trong nước còn nhà đầu tư nước ngoài tham gia cổ đông chiến lược, tỷ lệ tham gia cụ thể sẽ được đưa vào phương án CPH trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Những khó khăn gặp phải trong quá trình tái cơ cấu, CPH Vinalines là gì, thưa ông?

Trong quá trình tái cơ cấu, CPH, Vinalines gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, vấn đề đối chiếu công nợ để xác định giá trị DN. Do trước đây Vinalines hoạt động trên phạm vi khá rộng, trải dài trên địa bàn cả nước. Do vậy việc đối chiếu công nợ hoàn thành trước khi CPH đòi hỏi phải có thời gian, nhưng vẫn phải đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, cho nên đây cũng vấn đề rất khó khăn.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện sản xuất kinh doanh, Vinalines có liên doanh với một số nước để xây dựng các cảng biển, hiện nay các liên doanh này đang trong quá trình đầu tư và khai thác mà hiệu quả chưa được rõ, một số còn phải bù lỗ, như Cảng CMIT, cảng SSIT... Việc thoái vốn ở các công ty liên doanh liên kết rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Việc phải tách các DN này ra để CPH là một điều kiện phải tính tới, khi mà các liên doanh đang còn thua lỗ.

Bên cạnh đó, hiện nay đội tàu vận tải của Vinalines đang hoạt động trên các tuyến hàng hải quốc tế, cho nên việc xác định giá trị sổ sách cũng như giá trị thực tiễn của các tàu đó rất khó khăn, đòi hỏi mất nhiều thời gian và từng bước phải xử lý.

Ngoài ra, Vinalines trước đây có tiếp nhận một số DN từ Vinashin chuyển sang như Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines) và Công ty TNHH một thành viên Vận tải Biển Đông, cho nên hiện nay phải xử lý các khoản nợ của các DN này, đồng thời xử lý các khoản nợ Vinalines đang tồn tại. Hiện Vinalines đang tiến hành làm thủ tục phá sản Vinashinlines và Công ty cổ phần vận tải dầu khí Việt Nam (Falcon), nên đòi hỏi nhiều thời gian.

Ông đánh giá như thế nào về tiến trình tái cơ cấu, CPH Vinalines, liệu công tác tái cơ cấu, CPH Vinalines có về đích đúng hẹn không, thưa ông?

Bên cạnh những khó khăn vừa nêu, quá trình tái cơ cấu Vinalines cũng có nhiều thuận lợi và với những thuận lợi đó, tôi tin tưởng Vinalines sẽ tái cơ cấu thành công. Trước hết, Chính phủ đã thông qua đề án tái cơ cấu Vinalines. Về vấn đề tài chính, Bộ GTVT hiện đang trình Chính phủ và Chính phủ nhất trí sẽ ban hành một nghị quyết riêng về vấn đề tái cơ cấu nợ cho Vinalines. Nghị quyết này chủ yếu là để giải quyết vấn đề công nợ hiện nay của Vinalines, tạo điều kiện để Vinalines tái cơ cấu, CPH.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn trong xác định giá trị DN là đối chiếu công nợ. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm đã có, Vinalines cũng được Bộ GTVT cho phép là nếu đối chiếu được trên 90% thì chấp nhận được, hoặc thuê tổ chức tư vấn định giá, các công ty kiểm toán nhà nước. Ngoài ra, Vinashinline và các đơn vị Vinashin chuyển sang được hưởng cơ chế chính sách xử lý như các đơn vị của Vinashin nên cũng có thuận lợi.

Ngoài sự quyết tâm rất cao của cán bộ nhân viên, Vinalines còn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT trong việc tái cơ cấu, từ đó sẽ tháo gỡ khó khăn để tái cơ cấu, CPH các đơn vị thành viên và công ty mẹ trong năm 2014.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Báo Hải Quan


Sự kiện