Thứ Hai | 16/06/2014 07:32

Sẽ có biện pháp nếu ngân hàng không bán nợ cho VAMC

Nếu TCTD nào không tích cực bán, xử lý nợ xấu thì các biện pháp gắn với lợi ích kinh tế sẽ được áp dụng như hạn chế tăng trưởng tín dụng.
Dù Công ty Quản lý tài sản VAMC đã tiến hành mua nợ nhưng số nợ được giải quyết mới chỉ khoảng 20% tổng số nợ cần phải xử lý và quá trình xử lý nợ vẫn diễn ra chậm chạp. Điều này khiến tiến độ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước, đã trao đổi với NCĐT xung quanh vấn đề này.
Tốc độ xử lý nợ xấu vẫn chậm chạp. Vì sao thưa ông?

Tính đến ngày 6.6, VAMC đã mua được hơn 8.000 tỉ đồng nợ xấu từ 20 tổ chức tín dụng. So với năm 2013, tốc độ mua nợ xấu của những tháng đầu năm nay có xu hướng chậm lại. Điều này có một số lý do.

Thứ nhất là nhiều khoản nợ xấu được các tổ chức tín dụng đề nghị bán cho VAMC có giá trị rất nhỏ, nên doanh số mua nợ không cao.

Thứ hai là một số tổ chức tín dụng chưa tích cực trong việc bán nợ xấu. Quý I năm nay, nhiều đơn vị vẫn có tâm lý chờ đợi xem liệu Ngân hàng Nhà nước có quyết tâm thực hiện Thông tư 02 về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro vào ngày 1.6 hay không và cũng chờ xem mức độ điều chỉnh Thông tư 02 như thế nào. Trên cơ sở đó, họ mới đưa ra cách ứng xử phù hợp trong vấn đề bán nợ cho VAMC.

Hơn nữa, trong quý I, các tổ chức tín dụng cũng phải mất nhiều thời gian vào việc rà soát, đánh giá các khoản nợ xấu, kế hoạch xử lý nợ xấu cho năm 2014 và cho các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, sau khi Thông tư 02 có hiệu lực từ ngày 1.6, tốc độ bán nợ xấu cho VAMC có xu hướng tăng nhanh. Nếu như trong 5 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng bán được khoảng 6.300 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC thì trong 6 ngày đầu của tháng 6, VAMC đã mua thêm được khoảng 1.700 tỉ đồng.

Một số ý kiến cho rằng việc chậm mua nợ xấu là do VAMC bế tắc trong việc xử lý nợ xấu sau khi mua về?

Theo tôi, VAMC không phải bế tắc mà là gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu. Có nhiều nguyên nhân như sự bất hợp lý về quy định và cơ chế xử lý tài sản bảo đảm; bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài cũng như vướng mắc trong quy định luật đất đai, nhà ở; cơ chế ủy quyền cho tổ chức bán nợ thực hiện khởi kiện đối với khách hàng vay.

Nợ xấu cũng phụ thuộc nhiều vào điều kiện thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản. Thị trường này dù có khởi sắc nhưng tốc độ phục hồi vẫn còn chậm. Trong khi đó, điều kiện tài chính, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn.

Hiện tại, các vướng mắc về cơ chế chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước báo cáo lên Thủ tướng và Thủ tướng đã chỉ đạo bộ ngành, các cơ quan chức năng liên quan có biện pháp tháo gỡ tạo điều kiện cho VAMC xử lý khoản nợ xấu mà mình đã mua.
Tính đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng mới chỉ là 1,31%. Tín dụng tăng trưởng thấp có phải là do việc xử lý nợ xấu chưa có chuyển biến lớn?

Nợ xấu lớn cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng đầu năm nay lại không xuất phát từ vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Bởi lẽ, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn dồi dào và các ngân hàng cũng huy động được một lượng vốn lớn. Hơn nữa, khoản nợ xấu mà tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC không còn nằm trong danh mục nợ xấu của họ nữa. Và khách hàng vay có nợ xấu đã bán cho VAMC vẫn có thể tiếp cận tín dụng một cách bình thường theo quy định của pháp luật.

Vậy nguyên nhân khác là gì?

Tôi cho rằng nguyên nhân là do sức cầu kém của nền kinh tế, nhu cầu vay vốn ngân hàng không cao. Ngoài ra, một bộ phận doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, không đáp ứng được chuẩn mực an toàn để có thể được cấp tín dụng. Ngân hàng cũng muốn tăng trưởng tín dụng nhưng không thể cho vay bằng mọi giá cho mọi đối tượng.

VAMC đặt mục tiêu mua 70.000-100.000 tỉ đồng nợ xấu cho đến hết năm nay. Mục tiêu này liệu có đạt được khi đến đầu tháng 6, VAMC mới chỉ mua được hơn 8.000 tỉ đồng?

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai xây dựng phương án về xử lý nợ xấu và trình lên cơ quan này kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC cho năm 2014. Đến thời điểm này, các tổ chức tín dụng đã đăng ký kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC lên tới 70.000 tỉ đồng. Vì thế, tôi tin rằng mục tiêu trên hoàn toàn có thể đạt được.

Nếu tổ chức tín dụng nào không tích cực trong việc bán nợ xấu và xử lý nợ xấu thì các biện pháp gắn với lợi ích kinh tế sẽ được áp dụng đối với đơn vị đó như hạn chế tăng trưởng tín dụng, hạn chế mở chi nhánh, phòng giao dịch, hạn chế trong việc cấp phép. Trường hợp tổ chức tín dụng áp dụng các giải pháp xử lý nợ xấu mà phải trích lập dự phòng rủi ro lớn, ảnh hưởng đến tình hình tài chính thì tổ chức đó có thể báo cáo với Ngân hàng Nhà nước để có cơ chế xử lý phù hợp.
Đến giờ này, việc áp dụng Thông tư 02 có làm nợ xấu tăng lên?

Việc áp dụng Thông tư 02 và Thông tư 09 khiến nợ xấu tăng lên là có, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước và khả năng xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Vụ bầu Kiên cho thấy các quy định hiện nay có kẽ hở và làm tăng nợ xấu của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước làm gì để lấp lỗ hổng này?

Qua công tác thanh tra giám sát các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện tình trạng cổ đông vi phạm về sở hữu vốn điều lệ, vi phạm quy định về cấp tín dụng và có biện pháp thu hồi tài sản cho ngân hàng, thực hiện tái cơ cấu đưa ngân hàng trở thành ngân hàng đại chúng. Ngân hàng Nhà nước cũng buộc các cổ đông phải sở hữu vốn điều lệ trong giới hạn cho phép theo quy định của pháp luật.

Sắp tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành quy định mới về an toàn hoạt động ngân hàng. Trong đó, có quy định nhằm ngăn chặn, xử lý vấn đề sở hữu cổ phần, sở hữu chéo, đặc biệt là việc kiểm soát đối tượng là cổ đông lớn và người có liên quan.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư


Sự kiện