Sẽ chỉ còn một đầu mối cấp phép hoạt động ngoại hối
Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc giám sát, quản lý tình hình hoạt động ngoại hối của các TCTD và để phù hợp với quy định của Luật các TCTD, dự thảo Thông tư hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp Văn bản chấp thuận hoạt động ngoại hối của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới quy định đơn vị làm đầu mối xem xét, cho phép tổ chức tín dụng được thực hiện các hoạt động ngoại hối kể cả một số nghiệp vụ phức tạp, chứa đựng rủi ro trên thị trường quốc tế là Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng.
Theo đó, đối với các nghiệp vụ ngoại hối trên thị trường trong nước Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng có trách nhiệm xem xét, trình Thống đốc cấp Giấy phép hoạt động ngoại hối.
Còn đối với các nghiệp vụ trên thị trường quốc tế, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng nhà nước, xem xét, tổng hợp ý kiến, trình Thống đốc cấp Giấy phép hoạt động ngoại hối hoặc có văn bản từ chối cấp Giấy phép hoạt động ngoại hối.
Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, trên tinh thần kế thừa các quy định hiện hành, đồng thời nâng cao điều kiện đối với một số nghiệp vụ trên thị trường quốc tế mà văn bản pháp luật chưa có quy định điều chỉnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro, cũng trong dự thảo Thông tư nêu trên còn quy định các điều kiện hoạt động ngoại hối đặt ra đối với các ngân hàng nói riêng và các TCTD nói chung.
Cụ thể, đối với hoạt động ngoại hối của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở thị trường trong nước, dự thảo bổ sung một số điều kiện: Ngân hàng phải có quy định nội bộ về quy trình thực hiện các nghiệp vụ ngoại hối. Đồng thời phải có hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành quản lý rủi ro đối với từng nghiệp vụ ngoại hối.
Trên thị trường quốc tế, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động ngoại hối phải có chính sách quản lý rủi ro đối với từng nghiệp vụ ngoại hối. Cũng như phải có quy định nội bộ về tiêu chuẩn lựa chọn tổ chức đối tác nước ngoài và hạn mức giao dịch phù hợp đối với từng đối tác.
Đặc biệt, dự thảo quy định ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo kinh doanh có lãi 3 năm liền kề năm đề nghị cấp Giấy phép hoạt động ngoại hối (Thông tư 03/2008/TT-NHNN trước đây quy định là 1 năm).
Còn đối với các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, dự thảo dự kiến điều kiện áp dụng tương tự như đối với các Ngân hàng thương mại. Đồng thời đặt ra một số yêu cầu cao hơn đối với công ty tài chính có nhu cầu thực hiện các hoạt động ngoại hối trên thị trường quốc tế. Theo đó, đối với các hoạt động phổ thông trên thị trường quốc tế, công ty tài chính phải kinh doanh có lãi 3 năm liền kề năm đề nghị cấp Giấy phép hoạt động ngoại hối. Còn đối với các hoạt động phức tạp, công ty tài chính phải kinh doanh có lãi 5 năm liền kề năm đề nghị cấp Giấy phép.
Hoạt động ngoại hối của các tổ chức tín dụng là hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng với người cư trú, người không cư trú trong giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam và các giao dịch khác liên quan đến ngoại hối.Phạm vi hoạt động ngoại hối trên thị trường trong nước và hoạt động ngoại hối trên thị trường quốc tế, ví dụ như ở thị trường trong nước, ngân hàng thương mại được thực hiện các giao dịch mua bán ngoại tệ giao ngay; Huy động vốn, cho vay và bảo lãnh bằng ngoại tệ; Phát hành, đại lý phát hành thẻ quốc tế... Trên thị trường quốc tế, ngân hàng thương mại được mở tài khoản thanh toán ở nước ngoài và cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền quốc tế; mua, bán ngoại tệ giao ngay trên thị trường nước ngoài; mở tài khoản tiền gửi có kỳ hạn ở nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước... |
Nguồn Chinhphu.vn