Thứ Tư | 10/10/2012 11:07

Sẽ chỉ có 100 đầu mối xuất khẩu gạo

Theo như Nghị định này, sẽ có 17 doanh nghiệp không được cấp phép kinh doanh xuất khẩu gạo.
Tính đến cuối tháng 9/2012, cả nước có 117 doanh nghiệp hội đủ các điều kiện để xin cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo Nghị định 109/2010, kể từ ngày 1/10/2012 cả nước chỉ có 100 đầu mối được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo, như vậy sẽ có 17 doanh nghiệp không được cấp phép.

Theo cuộc trao đổi của VnEconomy với ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Phong cho biết, tuy không được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo trong lần này nhưng 17 doanh nghiệp vẫn còn có cơ hội. Trong quá trình kinh doanh xuất khẩu gạo, nếu có doanh nghiệp vi phạm các quy định và bị rút giấy phép kinh doanh các doanh nghiệp còn lại sẽ được lựa chọn để thay thế, dựa vào ngày nộp hồ sơ của họ.

Các đầu mối xuất khẩu gạo nếu vi phạm một trong các điều kiện sau sẽ bị rút giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo: thứ nhất, khi kiểm tra lại, nếu cơ sở vật chất không đảm bảo; thứ hai, trong 1 năm không tham gia xuất khẩu gạo hoặc số lượng gạo xuất khẩu không đúng với quy định (10.000 tấn/năm); thứ ba, doanh nghiệp vi phạm các quy định của Nghị định 109 hoặc quy định của VFA.

17 doanh nghiệp này đang có giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo và đến ngày 30/9/2012 đã hết hạn, nhưng họ đã được Chính phủ gia hạn đến 31/12/2012. Sau khi hết hạn, 17 doanh nghiệp này không được xuất trực tiếp mà chỉ xuất uỷ thác cho các doanh nghiệp đầu mối hoặc làm cung ứng.

Về quy chế mua tạm trữ gạo của Chính phủ, ông Phong cho biết, các doanh nghiệp hiện nay không mong muốn tạm trữ thêm do tồn kho còn khá lớn, kể cả lượng gạo mua tạm trữ giá cao từ vụ đông xuân đến nay vẫn còn. Mặt khác, giá xuất khẩu tại thời điểm này hơi thấp nên các doanh nghiệp có khó khăn. Tuy nhiên, ông bác bỏ ý kiến cho rằng VFA không đồng ý với quy chế tạm trữ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện